"Nếu bạn không phải trả tiền, bạn chính là sản phẩm" -(If you are not paying for it, you are the product) - đây là một cách thể hiện giao dịch công bằng, không gì là miễn phí. Trong bối cảnh mà vấn đề bản quyền ở ta còn lỏng lẻo và nghệ sĩ thường không kiếm được bao nhiêu với sản phẩm nghệ thuật của họ, những "người nổi tiếng" thường đặt trọng tâm chính vào các gameshow, sự kiện, quảng cáo để kiếm thu nhập cá nhân và gia tăng mức độ phủ sóng.
Tất nhiên, cũng khó mà trách họ sao nhãng vai trò nghệ sĩ, bởi ta biết là họ chẳng kiếm được bao nhiêu với vai trò này cả. Vì sao lại vậy? Vì phần đông dân ta quen dùng đồ "miễn phí". Chúng ta đã xem miễn phí, thì cũng chẳng bất ngờ khi nghệ sĩ sử dụng danh tiếng, "độ phủ sóng" của họ để quảng cáo hay kiếm tiền chỗ khác.
Tất nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng như vậy, nhiều nghệ sĩ tôi chưa thấy họ quảng cáo bao giờ cả, hoặc là ít quá nên tôi không biết, nhưng đa phần nghệ sĩ thời nay đều như vậy. Tuy nhiên, kiếm tiền quảng cáo hay điều gì tương tự, gia tăng mức độ phủ sóng bằng cách quay video từ thiện... tất cả ngoài sản phẩm nghệ thuật ra thì đều có rủi ro rất lớn.
Không bàn đến chuyện đúng sai, tốt hay không tốt ở những hành động này, việc kinh doanh thương hiệu cá nhân rất dễ sụp đổ khi "hình tượng" bị tổn hại. Nghệ sĩ bán hình tượng của chính mình còn công chúng mua bằng niềm tin, một khi niềm tin mất đi, công chúng sẽ đánh giá nghệ sĩ như một sản phẩm kém chất lượng, mang mác hàng chất lượng tốt, và họ cảm thấy bị lừa dối.
>> Nghệ sĩ ngộ nhận 'không cần công chúng nuôi'
Câu chuyện từ thiện cũng thế, nghệ sĩ hay người ủng hộ của họ mong muốn công chúng dễ dãi đặt niềm tin thì cũng nên chấp nhận việc công chúng dễ dãi hoài nghi.
Mọi sự vận hành trong xã hội luôn có cái logic của nó, một người nghệ sĩ quyết định "nghề" chính là người nổi tiếng chứ không phải người tạo ra sản phẩm thì cũng có nghĩa là họ cho công chúng quyền đánh giá chính mình. Chỉ tội cho những những con người giữ "nghề" tạo ra sản phẩm, họ chỉ mong công chúng đánh giá sản phẩm của họ, nhưng công chúng lại thích theo dõi đời tư như một thói quen.
Chẳng có gì là miễn phí mãi cả, bán hình tượng thì phải chăm chút cho sản phẩm của chính mình; cũng đừng tự ái khi công chúng nhận xét, đánh giá - họ chỉ đơn thuần nhận xét sản phẩm và quyết định có nên "mua" nó hay không mà thôi.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.