Một trường học ở TP HCM dùng việc đọc sách như một hình phạt đối với các học sinh phạm lỗi thay cho việc dọn vệ sinh, viết kiểm điểm. Nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ vì cho rằng đây là những học sinh hư, không thích đọc sách nên điều này buộc trẻ phải đọc để bồi đắp những giá trị đạo đức chuẩn mực, bồi dưỡng và phát triển nhân cách một cách đúng đắn.
Còn bản thân tôi, cảm xúc đầu tiên khi nghe thông tin này đó là tức giận. Vì sao ư? Vì tuổi thơ của tôi và chắc cũng nhiều người nữa sách là ước mơ, là món quà quý giá, là phần thưởng mỗi khi đạt kết quả tốt trong học tập.
Đôi khi cả một năm học mới được thưởng một, hai quyển sách. Ai đó sẽ nói rằng, đó là chuyện ngày xưa, bọn trẻ bây giờ chả đứa nào thèm đọc sách, ép cũng chẳng thèm đọc, chúng chỉ chơi game, vọc điện thoại thôi. Điều này chỉ đúng với một số nhưng không phải là tất cả.
Mà trong đó, có một phần lỗi của chúng ta, những người làm cha mẹ, làm sao trẻ thích đọc khi chẳng bao giờ thấy cha mẹ cầm đến quyển sách. Làm sao chúng thích đọc khi từ bé, chẳng bao giờ được cha mẹ đọc sách để đi ngủ, kể những câu chuyện hay cho con nghe mà chỉ ném cho chúng chiếc điện thoại hay tivi để rảnh tay làm việc khác. Đến khi chúng lớn lên, chúng ta lại bảo con phải đọc sách đi, đọc sách tốt cho con. Chúng chịu đọc mới là chuyện lạ.
Đối với những trẻ bị phạt như nhà trường phân tích. Đúng là các em phạm lỗi nhưng trong đó cũng có nhiều trường hợp, có em thường xuyên vi phạm, cố ý quậy phá. Nhưng cũng có em vì một số lý do nào đó mà vô tình phạm lỗi, đôi khi chỉ là một lần phạm lỗi hiếm hoi trong đời học sinh của mình.
Đối với những em đó, việc phạm lỗi có khi là một ký ức khiến các em thấy xấu hổ thì phần ký ức đó lại gắn liền với việc đọc một quyển sách, điều này ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý thì chắc rằng các chuyên gia tâm lý hiểu rõ hơn tôi nhiều.
Trên đời này, dù là học sinh hay người đã trưởng thành, phạm lỗi hay bị phạt chẳng bao giờ là điều vui vẻ hay đáng nhớ cả. Và sẽ như thế nào nếu điều chẳng vui vẻ đó lại luôn gắn liền với việc đọc sách.Với những trẻ hư, đọc thêm một cuốn sách trong tình huống xử phạt như thế, tôi nghĩ chẳng giúp gì thêm cho chúng mà chỉ càng thêm chống đối và nổi loạn, và điều chúng học được cũng chỉ là cách đối phó với việc review cuốn sách đó như thế nào mà thôi.
Cũng đừng đánh đồng tất cả bọn trẻ con đều như thế, ví dụ như con gái tôi. Từ bé, trước khi ngủ tôi sẽ đọc cho con vài quyển sách, từ đó thành thói quen, không đọc sách con sẽ không chịu ngủ. Lớn lên một chút, sách là phần thưởng mỗi khi con ngoan, hoàn thành tốt bài tập...
Lớn hơn chút nữa, phần thưởng sẽ là được đi nhà sách để con tự tìm những loại sách mình thích. Không ép chúng đọc loại sách mà mình muốn được vì mỗi trẻ có sở thích riêng của mình.
Năm nay, con bé học lớp 6, phần thưởng năm ngoái là một bộ sách lịch sử Việt Nam bằng tranh mà con thích từ lâu, nhưng vì giá khá cao nên từ giữa năm học con đã xin mẹ mua, bộ sách là mục tiêu phấn đấu cả năm học của con.
Một đứa trẻ yêu sách như con tôi hẳn nhiên rất kinh ngạc khi khi nghe chuyện phạt đọc sách. "Đọc sách sướng muốn chết mà phạt gì" đó là câu đầu tiên con bé nói khi nghe về điều này.
Tất nhiên, con bé vẫn mê xem các thể loại hát hò nhảy múa, vẫn ghiền điện thoại, vẫn phải hò hét trông chừng như bao đứa trẻ khác. Chỉ là, sách vẫn giữ một vị trí quan trọng trong các sở thích của con bé.
Và với nhận thức của mình, con hoàn toàn không hiểu tại sao người ta lại xử phạt như vậy. Và lần này, tôi cũng chẳng thể giải đáp được thắc mắc của con, vì chính tôi cũng không hiểu.
Hằng Nga
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.