Bài viết 'Sách này có bản pdf không?' của tác giả Quỳnh Uyên bàn về văn hoá đọc sách có bản quyền. Tác giả cho rằng sách in lậu đang vẫn là vấn nạn nhức nhối của ngành xuất bản dù đã tồn tại nhiều năm. Mặt khác, tác giả chỉ ra rằng nạn scan, làm sách điện tử với định dạng pdf, sau đó chia sẻ tràn lan trên mạng đang là yếu tố bất lợi với những người làm sách.
Sau bài viết, một độc giả chia sẻ:
>> Kém đọc hiểu vì ghiền lướt mạng, lười đọc sách
Các thiết bị có tính năng đọc sách điện tử như máy tính, laptop, máy tính bảng, smartphone... phát triển bùng nổ đã góp phần làm đa dạng hóa thị trường thiết bị đọc sách. Rõ ràng thị trường ebook (với các định dạng pdf, epub, mobi...) có tiềm năng lớn vì tiện lợi, tiết kiệm giấy in những vẫn chưa được các nhà làm sách quan tâm. Độc giả Kotori Habane nói:
"Tôi hay kiếm file sách định dạng mobi hoặc epub để đọc trên máy đọc sách. Lý do đơn giản là vì sách giấy quá chiếm không gian, mua về không thích thì cũng vứt đấy, trong khi bản mềm đọc xong, chán thì xóa, thích thì để đó cũng không tốn chỗ.
Nhưng tôi ít khi nào tìm thấy nơi bán sách mềm bản quyền. Thị trường sách Việt còn kém phát triển, muốn có những thế hệ chăm đọc sách thì nên nghĩ cách khai thác sách mềm bản quyền. Đấy là tôi còn chưa nói chất lượng dịch sách khá tồi".
Theo một khảo sát vào năm 2019, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách.
Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Bình quân sức đọc của người Việt vẫn chưa được một cuốn sách mỗi năm.
>> Tốn tiền triệu mua sách nhưng không đọc
Mặt khác, theo thống kê vào năm 2020, toàn ngành sách đã xuất bản trên 33.000 đầu sách với 410 triệu bản.
Dù con số sách giấy được in "ấn tượng" như vậy, nhưng một số độc giả lại than phiền việc thiếu vắng ebook.
Độc giả len nguyen đặt vấn đề: "Cực chẳng đã những người dùng máy đọc sách mới phải tìm bản pdf. Sống ở nước ngoài muốn đọc sách Việt mới ra thì "chịu chết". Giá như các nhà làm sách ebook. Không hiểu sao ở Việt Nam vẫn chưa thấy thương mại hóa bằng ebook như các nước khác?".
Độc giả Nami có nickname than phiền: "Tôi sẵn sàng bỏ tiền mua bản pdf bản quyền từ các nhà xuất bản, nhưng tìm mỏi mắt không thấy bán.
Muốn đọc các tác phẩm bằng tiếng Việt mà không mua được sách giấy thì chỉ có cách lên mạng xin bản free.
Thời đại 4.0 người ta chuyển sang đọc sách trên app, điện thoại hết rồi mà các nhà xuất bản ở Việt Nam chỉ khư khư xuất bản sách giấy, bỏ lơ hoàn toàn mảng sách điện tử. Thật không thể hiểu nổi".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.