Khoảng gần 3 năm trước tôi có dịp qua một vùng quê còn khá nghèo, khá lạc hậu ở một tỉnh miền Bắc (Bắc Giang). Ở đây tôi có gặp một em học sinh nữ lớp 10. Điều tôi rất ấn tượng ở em học sinh này là: em đúng là con mọt sách.
Em là thành viên của một câu lạc bộ Sách và Hành động của trường phổ thông nơi em theo học. Được biết là gia đình em không có nhiều điều kiện để xây dựng một môi trường học tập tốt, rất khó có thể rèn luyện thói quen đọc sách cho con em mình do bố mẹ phải đi lao động nước ngoài, cô chú cũng vậy., bố mẹ em chỉ biết gửi tiền về cho em đi học.
Một bất lợi nữa là vùng này vẫn thuộc vùng chiêm trũng, còn nghèo. Đặc biệt là vùng này vẫn là vùng trũng của giáo dục (điểm thi vào đại học so với nhiều trong tỉnh nhà thôi nhưng cũng còn rất kém).
Dù có nhiều bất lợi như vậy nhưng em học sinh này lại có tính ham học từ nhỏ, ngoài ra em lại được tắm mình trong ngôi trường phổ thông dù còn nhiều khó khăn nhưng các thày cô giáo vẫn luôn hết mình vì học sinh thân yêu, việc quyết liệt triển khai và tạo mọi điều kiện để duy trì CLB Sách và Hành động để cho các em học sinh có điều kiện thuận lợi để tiếp cận tri thức là minh chứng cho điều đó.
Phong trào đọc sách trong thày cô giáo và học sinh của trường rất mạnh mẽ nhờ hoạt động hiệu quả của CLB này. Bản thân thì ham học lại được tắm mình trong môi trường đậm chất tri thức của trường phổ thông nơi em đang theo học khi đó nên em học sinh này rất ham mê đọc sách.
Những điều tuyệt vời mà việc đọc sách nhiều đã mang lại cho em là em có khả năng tự học rất tốt, em không phải đi học thêm.
>> Xã hội mất thói quen đọc sách, hành vi vô văn hóa tăng dần
Với khả năng tự học đó, cộng với việc đọc sách thường xuyên đã giúp em có nhiều hiểu biết, kiến thức rất tốt, năng động. Có Tết em còn biết mua sách trên một trang thương mại điện tử với giá giảm 80% rồi em bán cho bạn đúng giá để ăn chênh lệch... 80% luôn.
Khi đó tôi đã rất tin rằng sau hai năm nữa khi em học xong phổ thông em muốn thi vào bất cứ trường đại học nào thì chắc là hoàn toàn khả thi, sau khi này ra đời em sẽ gặp nhiều thành công.
Sau hơn hai năm, dịp Tết này tôi mới lại có dịp qua vùng đất trên. Gặp lại em học sinh hơn hai năm trước thì giờ đây em đã là sinh viên của một trường đại học tốp đầu của thủ đô. Ở trường, em học cũng rất tốt, em năng động và hoạt bát hơn nhiều.
Khi gặp lại em học sinh này tôi lại liên tưởng đến công việc dạy học của mình. Dịch bệnh Covid-19 gây ra bao khó khăn cho mọi mặt đời sống xã hội, ngành giáo dục là một trong những ngành gặp nhiều khó khăn nhất.
Một trong những khó khăn nhất mà ngành giáo dục gặp phải khi dịch bệnh xảy ra là chuyện học trực tuyến của học sinh. Nhưng có một điều đặc biệt là dù khó khăn như thế nhưng tôi nhận thấy rằng: những học sinh (HS) mà có thói quen đọc sách thường xuyên thì khả năng tự học sẽ rất cao, khi đó học trực tuyến hay học trực tiếp thì những HS này đều có thể thích nghi tốt.
Còn đối với giáo viên (GV), với những người có thói quen đọc sách thường xuyên sẽ có khả năng tự học, tự nghiên cứu rất cao bởi vậy những người GV này thường có trình độ chuyên môn tốt, ngược lại với những GV không có thói quen đọc sách thường xuyên thì trình độ chuyên môn thường kém.
Tôi đã từng nói về cách để rèn luyện thói quen đọc sách cho HS trên diễn đàn này. Bài viết này có rất nhiều tương tác, qua đó cho thấy rằng có rất nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) mong muốn các con em mình được rèn thói quen đọc sách ngay ở trường.
Điều này nhắc nhở Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có giải pháp để rèn thói quen đọc sách thường xuyên cho HS.
Ở bài viết đó tôi có viết: "Những vấn đề của giáo dục còn rất nhiều nan giải, không thể giải quyết một sớm một chiều nhưng riêng vấn đề bắt buộc thày cô, học sinh đọc sách thì không thể trì hoãn.
>> Thói quen đọc sách mất dần do đâu?
Những quy định quan trọng như vậy nhưng lại có thể thực thi một cách rất đơn giản, không tốn kém nhiều mà hiệu quả cao. Tôi xin trình bày rõ hơn giải pháp này như sau: Cần phải sớm ban hành quy định: mỗi năm học hoặc mỗi kỳ nghỉ hè thì mỗi GV cần phải đọc bao nhiêu cuốn sách chuyên môn, bao nhiêu cuốn sách văn học, đời sống hoặc tự chọn.
Những cuốn sách này có thể được lựa chọn qua sự đóng góp ý kiến của nhiều người hoặc qua những hội đồng chuyên môn uy tín; những cuốn sách tự chọn thì có thể do sự yêu thích hay do cảm thấy cần phải đọc của người GV đó.
Quan trọng là khi đọc xong thì cần phải viết tóm tắt lại hay ghi cảm nhận về cuốn sách đó trước hội đồng; hoặc có thể làm bài kiểm tra theo nội dung cuốn sách người giáo viên đó đã đọc. Việc tổ chức các kỳ thi sát hạch GV hoàn toàn có thể làm theo cách này, thậm chí có thể bỏ các kỳ thi giáo viên giỏi hình thức để thay bằng cách làm thực chất này.
Thực tế hiện nay nhiều GV rất lười đọc, có những GV văn mà cả năm ngoài sách giáo khoa ra thì không đọc một cuốn sách nào khác thì kiến thức đâu để truyền cảm hứng, để khơi dậy niềm yêu thích văn học, yêu cuộc sống cho học sinh đây? Đã đầu vào sư phạm kém, khả năng tự học bằng cách tự đọc kém nữa thì dẫn đến trình độ chuyên môn và hiểu biết kém là hiển nhiên.
Rất nhiều sự việc gây dư luận không tốt của ngành giáo dục vừa qua khả năng lớn là rơi vào những thày cô này. Trong thời đại 4.0 hiện nay khi mà khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão thì việc tự học, tự đào tạo đối với mỗi người là cực kỳ quan trọng, đối với GV khi quy định này được thực thi một cách quyết liệt thì đội ngũ GV sẽ có khả năng tự đào tạo rất tốt.
Việc này sẽ tự nhiên cải thiện và nâng cao trình độ đội ngũ GV - vấn đề quan trọng nhất của ngành giáo dục hiện nay. Những GV có đầu vào kém nghĩa là khả năng kém nhưng do quy định này nên phải bắt buộc tự đào tạo, từ đó sẽ cải thiện và nâng cao trình độ; đối với GV có trình độ thì khi thực thi quy định này sẽ càng nâng cao trình độ của mình hơn (thực tế thì những GV giỏi thường là những GV đọc rất nhều).
Khi thực thi quyết liệt giải pháp này thì chỉ sau vài năm đội ngũ GV sẽ sớm nâng cao trình độ, hiệu quả rõ rệt khi so sánh với việc thực thi những giải pháp dài hơi và khó khăn khác.
Song song với quy định bắt buộc đọc sách đối với GV thì Bộ Giáo dục cũng nên đưa ra quy định bắt buộc đọc sách đối với học sinh. Đối với học sinh thì có thể học theo Anh hoặc Bỉ: đầu mỗi năm học các thầy cô sẽ chọn những cuốn sách để yêu cầu học sinh phải đọc; học sinh trung học ở Anh mỗi tuần phải đọc một cuốn nghĩa là một năm phải đọc ít nhất 52 cuốn (hè cũng phải đọc), đọc xong phải ghi tóm tắt hoặc cảm nghĩ về cuốn sách mình đã đọc.
>> Sau ba tháng bỏ nhậu, tôi có hai kệ sách đầy ắp
Trong đề thi tốt nghiệp môn Triết học của HS trung học Pháp mấy năm trước có câu: "Viết bài nghị luận: "Suis-je ce que mon passé a fait de moi? (Có phải tôi là cái mà quá khứ đã làm ra tôi?)".
Nếu không đọc sách nhiều thì học sinh (ngay cả người lớn chúng ta) có thể viết được bài luận này không? Cụ thể với học sinh 12 của chúng ta hiện nay thì có mấy em làm được câu này?
Từ sự bắt buộc đọc sách đối với thầy cô và học sinh thì sẽ có lúc tạo ra những thế hệ thầy cô, học sinh ham mê đọc sách, dần dần sẽ tạo ra một xã hội học tập vì có những công dân ham đọc sách. Điều này sẽ góp phần quan trọng để nâng cao dân trí.
Khi dân trí cao thì đất nước sẽ phát triển, thế nước sẽ mạnh, ít bị đe dọa hơn; giống như đất nước nhỏ bé Israel ở Trung Đông, hay đất nước Singapore cùng Hiệp hội ASEAN với chúng ta.
Điều này đã được đại văn hào Maxim Gorki đúc kết thành chân lý: "Mỗi cuốn sách hay như là một nấc thang nhỏ giúp chúng ta tách xa con thú để tiến dần con người" và "Đất nước sẽ mạnh hơn nếu nhiều văn hóa hơn"".
"Và hoa sẽ nở" là tên chương trình đón Tết của một đài truyền hình năm nay. Ở đây xin mượn câu này để nói về tương lai của em HS trên. Qua đó tôi cũng xin nhắc lại một điều quan trọng là: "Những vấn đề của giáo dục còn rất nhiều nan giải, không thể giải quyết một sớm một chiều nhưng riêng vấn đề bắt buộc thày cô, học sinh đọc sách thì không thể trì hoãn".
Anh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.