Đồng tình với việc "phân cấp" giá khám, chữa tại "bệnh viện nhà nước", nhiều độc giả VnExpress chia sẻ:
Mặc dù không trực tiếp làm trong nghề Y nhưng tôi có gia đình với truyền thống làm bác sĩ nên cũng hiểu phần nào những điều này. Chồng tôi làm ở bệnh viện bình thường, anh liên tục nói về những bấp bênh của nghề bác sĩ: thu nhập thấp, thường xuyên phải trực đêm, bệnh nhân khó tính, đòi hỏi nhiều, đôi lúc còn bạo lực...
Dù có làm ít hay nhiều, thu nhập của chồng vẫn không hơn là bao, trong khi đó chúng tôi mới có thêm một con nhỏ, gánh nặng lên vai anh lớn hơn nhiều. Tôi nghĩ chính những điều đấy làm các bác sĩ như anh chán nản và không thể hết mình cho công việc vì tiền lương không đáng so với công sức mình bỏ ra.
Phân cấp dịch vụ y tế là một điều nên làm và sớm muộn gì cũng phải làm. Nghề y nên có thu nhập cao hơn và phải là nhóm người được tôn trọng vì họ đang làm công việc cứu người. Xin đừng nghĩ rằng việc phân cấp sẽ làm những người nghèo ít cơ hội được cứu chữa hơn những người giàu. Thực tế, những điều như vậy có thể vẫn xảy ra và sự phân cấp này không phải là nguyên nhân gây ra điều đó.
Là người hoạt động trong lĩnh vực y tế hơn 10 năm nay, tôi đã may mắn có cơ hội tiếp cận với hệ thống y tế Mỹ. Theo ý kiến chủ quan của tôi, trình độ chuyên môn và trang thiết bị máy móc của chúng ta cũng không thua kém bất kỳ một nền y tế nào khác. Cái chúng ta thiếu và yếu là hệ thống tổ chức, vận hành cho cả ngành y tế.
Không ở đâu có chuyện so sánh lương của nhân viên y tế với người lao động tay chân; nhân viên y tế tuyến đầu vừa làm việc vừa lo sợ không biết bị người nhà bệnh nhân tấn công bất kỳ lúc nào; mua bảo hiểm y tế tự nguyện thì cào bằng cho mọi đối tượng mà bất kể đối tượng mua đang bị những bệnh nền gì; cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế vô hình trung tạo cho bác sĩ tâm lý đối phó phải làm gì để không bị xuất toán...
Cần lắm những thay đổi mang tính đột phá, có cơ chế cởi trói cho ngành thì mới mong phát huy được tối đa thế mạnh về mọi mặt của của ngành y hiện tại. Nếu không, điệp khúc tuyến trên quá tải, tuyến dưới không được tin tưởng sẽ vẫn mãi được ngân nga.
>> Lương bác sĩ 'người đói, kẻ no'
Việc phân chia giàu nghèo là không thể tránh khỏi, sự cào bằng chỉ làm giảm động lực của sự phát triển. Nếu cào bằng thì các bệnh viện không đủ chi phí đầu tư cho công nghệ cao, các bác sĩ không nhận đủ số tiền cho công sức của họ bỏ ra, dẫn đến căng thẳng quá tải, và cuối cùng vẫn là người bệnh chịu thiệt thôi.
Nếu như bạn muốn nâng cấp hệ thống bảo hiểm y tế thì cần phải nâng mức đóng bảo hiểm lên rất nhiều mới cải cách được hệ thống y tế. Ở Mỹ, chi phí y tế rất đắt đỏ, việc làm cạnh tranh cũng gay gắt, phụ nữ nghỉ sinh chế độ cũng kém, tùy chế độ công ty.
Ở Châu Âu, họ đóng thuế và bảo hiểm rất cao. Như tôi biết, ở Anh, hệ thống y tế bị quá tải vì quá nhiều người già và theo kiểu cào bằng, nên xếp hàng lâu. Ví dụ có trường hợp bị gãy chân bó bột, và vì xương liền không tốt nên muốn khám lại, nhưng trong danh sách chờ là bốn tháng. Vì vậy, ông này đã phải bỏ tiền riêng để làm ngoài. Các bệnh khác đều có danh sách dài, và chuyện có khối u mà phải chờ cả tháng để chụp chiếu cũng có xảy ra.
Tôi từng vào phòng cấp cứu ở Anh, và họ ghi rõ là nếu là việc ảnh hưởng đến tính mạng thì bạn có thể phải chờ 30 phút, còn không thì có thể chờ đến ba tiếng. Bạn tôi bị va đầu xuống đất, rách chảy máu đầy mặt vào người, sau khi y tá xem qua, họ quyết định không gấp nên chúng tôi đã chờ ba tiếng vì đông. Lúc đó, máu trên áo bạn cũng khô đen lại rồi.
Đã đến lúc chúng ta dù có nhân văn đến đâu cũng phải tuân theo quy luật của thực tế. Tôi xin kể một câu chuyện thế này: Người thân tôi không may mắc phải một căn bệnh hiếm gặp. Các bác sĩ đầu ngành của chúng ta rất nhiệt tình và tâm huyết cứu người. Tôi có thể khẳng định, tay nghề của họ không hề thua kém các bác sĩ trong khu vực. Nhưng khổ nỗi, chúng ta thiếu máy móc hiện đại và thuốc đặc trị. Trước sự sống và cái chết cận kề, cuối cùng gia đình tôi phải đưa người sang Singapore.
Bên đó, họ có những thứ thuốc, mà nếu có tiền ở Việt Nam cũng chưa tiếp cận được. Họ nói rằng, thuốc này phải liên kết với một bệnh viện lớn bên Mỹ mới có. Máy chiếu chụp cũng hiện đại hơn, nhờ đó mà họ phát hiện ra một khối u to bằng hạt ngô. Sau đó họ lại liên hệ với các bác sĩ đầu ngành trên thế giới bay đến để phẫu thuật. Nói chung, họ làm dịch vụ là chính. Chi phí khoảng một tỷ đồng. Chúng ta đều biết, mất mát con người là lớn nhất, và sức khỏe cũng là quý nhất. Nhưng khi nói đến tiền, tại sao chúng ta lại so đo?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.