(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Đầu tiên, chúng ta cũng cần phải tìm hiểu rằng vì sao pháp luật quy định khi chạy trên cao tốc với vận tốc 100 km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe phải là 100 mét. Khi xe di chuyển với vận tốc 100 km/h, có nghĩa là mỗi giây xe bạn sẽ di chuyển được 27,7 mét. Thời gian nhận thức để phát hiện sự cố, tình huống nguy hiểm trước đầu xe vào khoảng 0,75 giây (khoảng 2-3 lần chớp mắt). Thời gian này nhiều hay ít còn tùy thuộc vào kinh nghiệm và kỹ năng phán đoán tình huống của người lái. Thời gian phản ứng cũng mất thêm khoảng 0,5 giây nữa để di chuyển chân từ bàn đạp ga qua phanh.
Như vậy, tổng thời gian để người lái nhận thấy sự cố và phản xạ đặt chân qua bàn đạp phanh sẽ mất khoảng 1,25 giây, lúc này thì xe của bạn đã di chuyển thêm 34,62 mét. Do đó, khi bạn bắt đầu đạp phanh, khoảng cách phía trước đầu xe so với chướng ngại vật chỉ còn khoảng 65 mét. Cộng với quãng đường phanh để xe dừng lại vào khoảng 50 mét nữa thì sau khi xe đã dừng hẳn, khoảng cách phía trước đầu xe bạn với chướng ngại vật sẽ còn khoảng 15 mét. Đây là khoảng cách tương đối an toàn.
Giải mã về hiện tượng tài xế thích "điền vào chỗ trống" hoặc chạy vào làn dừng khẩn cấp khi lái xe trên cao tốc:
Thứ nhất, xét ở góc độ người lái. Lái xe đang trong tâm thế nóng vội, sợ bị trễ giờ; muốn thể hiện bản thân với các đồng nghiệp trên đường và những người ngồi cùng trên xe. Xe phía trước chạy quá chậm nên xe sau muốn chuyển làn và buộc phải cắt mặt đầu xe ở làn bên cạnh. Tay lái non kinh nghiệm, không hiểu luật; tính kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông kém.
>> Tuân thủ luật giữ khoảng cách để tránh thảm hoạ ôtô đi lùi
Thứ hai, xét ở góc độ pháp luật. Biện pháp chế tài và mức xử phạt chưa đủ tính răn đe đối với người vi phạm. Hiện việc xử phạt chủ yếu chú trọng hành vi chạy quá tốc độ tối đa trên cao tốc, còn hành vi chạy dưới tốc độ tối thiểu thì ít quan tâm. Hành vi chạy với vận tốc quá chậm trên cao tốc rất nguy hiểm. Có thể hiểu nôm na rằng vận tốc của dòng xe khi lưu thông trên cao tốc cũng giống như vận tốc dòng chảy của một con suối hay một dòng sông. Nếu chúng ta chạy chậm hơn vận tốc của dòng chảy thì cũng giống như hòn đá làm cản dòng chảy buộc nó phải rẽ sang hai bên. Khi lái xe trên cao tốc cũng vậy. Bạn thử nghĩ khi hai làn đường trên cao tốc cứ cách khoảng vài km lại có một xe chạy quá chậm (dưới tốc độ tối thiều) thì những xe muốn chạy nhanh (đúng với tốc độ quy định) buộc phải chuyển làn liên tục. Từ đó sẽ xuất hiện hiện tượng "điền vào chỗ trống" như một điều hiển nhiên.
Quy định tốc độ tối thiểu trên cao tốc Trung Lương là 60 km/h, tối đa 100 km/h. Cao tốc Long Thành – Dầu giây tối thiểu 60 km/h và tối đa 120 km/h. Theo quan điểm của riêng tôi là chưa hợp lý bởi vì như vậy thì biên độ giới hạn giữa vận tốc tối thiểu và tối đa rất lớn, dễ dẫn tới hiện tượng xung đột dòng chảy trong lưu thông. Khi đó người lái muốn chạy nhanh (đúng tốc độ quy định) sẽ buộc phải liên tục chuyển làn. Tóm lại, biên độ giới hạn giữa vận tốc tối thiểu và tối đa trên cao tốc càng nhỏ càng tốt.
Bạn cứ thử tưởng tượng rằng khi lái xe trên cao tốc, tốc độ của dòng xe luôn duy trì vào khoảng 85-95 km/h và tuyệt đối tuân thủ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe là 100 mét thì có còn xe nào muốn vượt và "điền vào chỗ trống" nữa hay không? Làm thế nào để điều khiển chiếc xe lăn bánh, đó là kỹ thuật. Nhưng điều khiển chiếc xe đó lăn bánh như thế nào, đó chính là nghệ thuật. Chúc các bạn nhiều sức khỏe và lái xe an toàn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.