Chuyện giành giật, chen lấn từ lâu đã trở thành thói quen xấu của nhiều người Việt. Ở bất cứ không gian công cộng nào, từ bến xe, bến tàu, sân bay, siêu thị, cơ quan hành chính, cho tới thang máy, cổng trường, các tuyến phố giờ tan tầm... chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thiếu ý thức, bất chấp hàng lối, cư xử tùy tiện như vậy.
Độc giả Npt3591 nói về những trải nghiệm không mấy vui vẻ khi bị chen lấn, giành chỗ: "Đi máy bay hay xe khách, tôi luôn là người sau cùng rời khỏi chỗ ngồi. Trong khi đó, dù phương tiện chưa kịp dừng hẳn, mọi người đã thi nhau đứng dậy, mở tủ lấy hành lý, lục đục chen ra lối đi để đứng sẵn với mục đích được ra trước tiên. Thật ra, không phải tôi rảnh rỗi, không có gì làm nên mới vậy, mà tôi thấy nếu xếp hàng tuần tự sẽ tiết kiệm thời gian và đỡ mệt mỏi cho tất cả. Tiếc là không mấy ai làm như vậy.
Có lần khác, tôi đi siêu thị ở Huế. Khi tôi và chị gái đang đứng chờ người phía trước ở quầy thanh toán, có một cô đứng tuổi, mặc đồ sang trọng, đẩy xe chen lên như chỗ không người. Tôi nói nhẹ nhàng: "Cô ơi xếp hàng dùm cháu". Tuy nhiên, người phụ nữ đáp lại: "Cô đang bận, có việc gấp", rồi lấy điện thoại ra gọi um sùm, ra vẻ bận rộn dữ lắm, quyết không xếp hàng đúng thứ tự. Tôi thật sự ngán ngẩm với hành động đó những cũng chẳng biết làm gì".
Đồng cảm với câu chuyện bị chen lấn, bạn đọc Bob Vu thậm chí còn bị chính những người vô ý thức xúc phạm chỉ vì cố gắng xếp hàng: "Tôi không bao giờ quên được nụ cười xem thường của con trai tôi dành cho những người tham gia giao thông tại một điểm giao cắt đường sắt. Một lần, tôi cho con về Việt Nam thăm ông bà ngoại ở Sài Gòn. Tôi dắt con đi ăn sáng, đúng lúc có đoàn tàu hỏa băng ngang đường Trần Văn Đang, Quận 3.
Ngay trước đường ray xe lửa, người ta có dựng hàng rào chắn để ngăn người chạy xe lấn qua phần đường ngược chiều. Nhưng thực tế vẫn có hàng chục xe máy dừng đợi xe lửa ở phần đường ngược chiều để tiện vọt lên trước người khác. Sau khi xe lửa đi qua và barrier được kéo lên, cả đoạn đường kẹt cứng vì những người chạy xe vô ý thức này. Đây là minh chứng rõ nhất về lối sống vô kỷ luật chỉ biết nghĩ đến mình của rất nhiều người trong xã hội".
>> Người Việt kìm chân nhau vì tư duy chen lấn, chộp giật
Nói về văn hóa nơi công cộng của nhiều người Việt, độc giả Vickie dùng từ "tùy tiện" để miêu tả: "Nhiều người hành động 'tùy' ý mình và 'tiện' cho mình, còn người khác và cả cộng đồng bị ảnh hưởng ra sao thì không quan tâm. Đó là tư duy ích kỷ, manh mún, nhỏ lẻ, và ngắn hạn.
Điều đáng buồn là những người có ý thức sẽ càng ngày càng ít đi, vì không thể tồn tại được nếu không tham gia vào cái văn hóa đó. Tôi từng đứng xếp hàng mua vé xem phim rất lâu nhưng không đến lượt và buộc phải chen lấn. Tôi từng nhiều lần đứng chờ hai, ba chuyến thang máy ở tòa nhà công ty mà vẫn không vào được, dù đứng ở đầu hàng, vì cửa vừa mở mọi người đã ùa hết vào, không cần biết trước sau. Cuối cùng, tôi cũng phải chen vào để không bị muộn làm.
Và còn rất nhiều tình huống tương tự mà tôi gặp hàng ngày. Sự thật có thể mất lòng, nhưng ý thức chung của một bộ phận người Việt đang xấu xí đến mức đáng báo động".
Làm gì để cải thiện văn hóa xếp hàng của người Việt? Độc giả 4chqx2kg7m cho rằng, cần đến sự tác động của giáo dục và luật pháp: "Một xã hội văn minh không tự nhiên mà thành, hành vi con người có một phần lớn xuất phát từ bản năng và phải được điều chỉnh bằng giáo dục và luật pháp. Nếu các phương tiện điều chỉnh ấy chưa làm được nhiều thì hành vi thường có khuynh hướng xấu xí. Nói mãi cũng không làm khá hơn được thì phải hành động và có phương pháp.
Có thể bắt đầu từ những bước đơn giản để giáo dục thói quen ví dụ như ban hành một bộ chuẩn mực hành vi ứng xử nơi công cộng, nơi làm việc, chữa bệnh hoặc ga tàu xe, sân bay, kèm chế tài xử lý vi phạm. Đêm những kiến thức này dạy trong nhà trường suốt các cấp học phổ thông, phổ biến rộng khắp trên các phương tiện truyền thông để giáo dục tập quán sống văn minh. Sau đấy, chúng ta có thể dần phát triển thành các bộ ứng xử cao hơn.
Hãy học người Singapore, khi đi thang cuốn, dù họ đi từ hai người trở lên cũng luôn xếp hàng dọc, nép sang một bên, chừa chỗ cho người có việc gấp muốn đi vượt qua. Đi thang máy là một việc tưởng chừng đơn giản, nhưng rất buồn hiện vẫn còn nhiều người ở nước ta chưa biết đi thế nào cho đúng?
Có lần, tôi may mắn gặp đôi vợ chồng ca sĩ và tay trống nổi tiếng đang xếp hàng chờ thang máy tại một tòa nhà ở Quận 3, TP HCM. Khi cửa thang mở ra, họ kiên nhẫn chờ mọi người ra hết, sau đó anh chồng lịch thiệp đưa tay mời mọi người vào trước và họ vào sau cùng. Một hình ảnh tuyệt đẹp và văn minh, thế nhưng lại rất hiếm thấy trong xã hội ta".
Việt Thành tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.