Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 5/2 đăng loạt ảnh cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình chào đón hàng loạt nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo tổ chức quốc tế trong bữa tiệc hoành tráng được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Sau hai năm Covid-19 bùng phát, đây là lần hiếm hoi ông Tập tiếp xúc trực tiếp với các lãnh đạo nước ngoài tới Bắc Kinh dự Olympic Mùa đông 2022.
Theo chuyên gia Yan Bennet, Đại học Princeton tại Mỹ, và nhà nghiên cứu John Garrick của Đại học Charles Darwin ở Australia, Olympic Mùa đông tại Bắc Kinh là sự kiện thể thao mang ý nghĩa biểu tượng chính trị đối với tham vọng và vị thế của Trung Quốc.
Hai chuyên gia cho rằng ông Tập muốn nhân Olympic Bắc Kinh để chứng minh với thế giới về thực lực của Trung Quốc, đồng thời gửi thông điệp đất nước đang đi đúng hướng, đủ khả năng hiện thực hóa "giấc mộng Trung Hoa" và mục tiêu "chấn hưng dân tộc".
Olympic Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều tranh cãi về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát quốc tế lo ngại cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các siêu cường có thể tạo ra xung đột chiến lược và đe dọa trật tự thế giới hiện nay. Một số người lại cho rằng đó là kết quả tất yếu của một quốc gia đã đạt được tiến bộ chóng mặt về kinh tế trong nửa thế kỷ qua.
Những cách hiểu khác nhau về sự trỗi dậy của Trung Quốc lẫn tính biểu tượng của Olympic Bắc Kinh đã dẫn đến nhiều tranh luận quốc tế từ khi sự kiện còn chưa mở màn, thậm chí biến thành động thái chính sách. Mỹ cùng nhiều đồng minh tuyên bố tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh do lo ngại về vấn đề Tân Cương và Hong Kong.
Tuy nhiên, quốc yến với sự góp mặt của hàng loạt lãnh đạo quốc tế, cùng những gì đã diễn ra ở Trung Quốc những ngày qua cho thấy Bắc Kinh dường như không mấy bận tâm đến điều này.
Theo Bennet và Garrick, Olympic Bắc Kinh được Trung Quốc khắc họa như một sự kiện mang lại nhiều lợi ích, là cơ hội để vận động viên Trung Quốc đạt được danh vọng và quốc gia chứng tỏ khả năng tổ chức thành công một sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế. Hai chuyên gia đánh giá một kỳ Olympic thành công sẽ được coi là minh chứng cho năng lực lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Truyền thông Trung Quốc liên tục phản bác chỉ trích quốc tế xoay quanh Olympic Bắc Kinh, nhận định Mỹ đã hành xử ích kỷ và thiếu thấu đáo khi không đồng tình với chiến lược "Không Covid" mà nước này đang áp dụng. Quan chức Trung Quốc đáp trả quyết định tẩy chay từ Mỹ với tuyên bố những người đồng cấp ở Washington "từ đầu không được mời", theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh.
"Những lập luận quyết liệt này nhắm đến dư luận trong nước, nhằm tái khẳng định vai trò trung tâm của CCP trong bảo vệ đất nước và người dân Trung Quốc trước mọi hành động được coi là khiêu khích từ bên ngoài", Bennet và Garrick nhận định.
Olympic Bắc Kinh còn là cơ hội để ông Tập cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế. Ông muốn nhân dịp này thể hiện một thành phố Bắc Kinh "thông minh và thân thiện với môi trường", thay cho những thông điệp cứng rắn được áp dụng trong chính sách "ngoại giao chiến lang" thời gian qua.
Giới phân tích cho rằng "ngoại giao chiến lang" gây phương hại nhiều hơn là củng cố lợi ích của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Ông Tập dường như cũng có mối lo tương tự khi kêu gọi các nhà ngoại giao cùng truyền thông nước này "dùng đúng thái độ đối thoại" khiêm tốn và ôn hòa hơn. Trao đổi với các quan chức cấp cao tại Bắc Kinh vào tháng 11/2021, ông Tập yêu cầu đội ngũ cán bộ hướng đến hình ảnh "Trung Quốc uy tín, thân thiện và đáng được tôn trọng".
Theo các chuyên gia, cách thực thi chính sách của đội ngũ cán bộ cấp dưới giữ vai trò then chốt với hầu hết kỳ vọng của ông Tập nhằm hiện thực hóa "Giấc mộng Trung Hoa". Khái niệm này thường được so sánh với "Giấc mơ Mỹ" nhưng đi kèm những yếu tố đặc sắc Trung Quốc, với trung tâm là thịnh vượng quốc gia được đặt trên mong muốn và thành tựu cá nhân.
Giới lãnh đạo Bắc Kinh thường xuyên nhấn mạnh quan điểm chỉ hệ thống chính trị hiện nay đủ khả năng đưa Trung Quốc đến đích và sẵn sàng phản ứng quyết liệt với những bên thách thức điều đó, theo hai chuyên gia Mỹ và Australia.
Nỗ lực điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19 và giả thuyết virus xuất phát từ phòng thí nghiệm Trung Quốc được xem là ví dụ điển hình cho cách phản ứng này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng quyết liệt trước sức ép quốc tế bằng cách ủng hộ một giả thuyết khác còn gây tranh cãi hơn. Người phát ngôn Triệu Lập Kiên năm 2020 cho rằng "chính quân đội Mỹ đã mang virus đến Vũ Hán".
Trung Quốc bảo vệ và tổ chức Olympic Bắc Kinh với nhận thức tương tự. Đối tượng mà sự kiện hướng đến chủ yếu vẫn là người dân trong nước, nhằm củng cố niềm tin về "Giấc mơ Trung Hoa".
Mục tiêu này phần nào được thể hiện trong những tuyên bố của ông Tập liên quan Olympic Mùa đông 2022, khi ông nhiều lần sử dụng hình ảnh nhân dân Trung Quốc đoàn kết dưới sự lãnh đạo của đảng vượt qua chặng đường gian nan để hướng đến tương lai chung.
Hai chuyên gia nhận định Olympic là cơ hội quảng bá quy mô lớn cho Bắc Kinh, khuếch trương thông điệp chính phủ Trung Quốc với năng lực chính trị và công nghệ đủ sức tổ chức thành công những sự kiện tầm cỡ như vậy. Đây còn là cơ hội để ông Tập chứng minh chính phủ Trung Quốc đã khống chế đại dịch thành công, bất chấp những hoài nghi quốc tế về ảnh hưởng của chiến lược "Không Covid" đối với cuộc sống người dân.
"Trung Quốc muốn thông qua sự kiện thể thao mùa đông lớn nhất thế giới để chứng tỏ mô hình chính quyền của mình thật sự ưu việt, đồng thời tái khẳng định những tiến bộ kinh tế và củng cố vị thế cường quốc hướng tới 'Giấc mơ Trung Hoa'", Bennet và Garrick nhấn mạnh.
Trung Nhân (Theo Conversation)