Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 6/12 tuyên bố chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden "sẽ không cử quan chức hay đại diện ngoại giao đến Olympic và Paralympic Mùa đông Bắc Kinh 2022, vì những tội ác chống lại loài người ở Tân Cương và nhiều hoạt động vi phạm nhân quyền của Trung Quốc", hay còn được hiểu là động thái tẩy chay ngoại giao.
New Zealand và Australia nhanh chóng tiếp bước Mỹ với những thông báo tương tự. Trong khi New Zealand cho biết lý do "chủ yếu vì Covid-19", Australia nêu một loạt vấn đề gồm tình hình nhân quyền ở Tân Cương, các đòn thương mại của Bắc Kinh nhằm vào Canberra, cũng như Trung Quốc từ chối hồi đáp cuộc gọi từ các bộ trưởng Australia.
Cùng ngày với thông báo từ Australia, Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp Canada Justin Trudeau cũng tuyên bố tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh do lo ngại vấn đề nhân quyền của Trung Quốc. "Họ không nên ngạc nhiên khi chúng tôi không cử bất kỳ đại diện ngoại giao nào", Trudeau cho hay, mặc dù Bắc Kinh từng nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Một số người tỏ ra ngạc nhiên trước quyết định tẩy chay ngoại giao của các nước, dù các vận động viên vẫn sẽ tham gia thi đấu. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy Olympic, sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, thường xuyên vướng vào xung đột chính trị và từng trải qua nhiều cuộc tẩy chay.
Rắc rối đầu tiên với Olympic xảy ra vào kỳ đại hội năm 1936. Trước đó vào năm 1931, Ủy ban Olympic Quốc tế chọn Berlin là thành phố đăng cai nhằm thể hiện sự chào đón với Đức, đất nước bị tàn phá nặng nề sau thất bại trong Thế chiến I. Nhưng hai năm sau, trùm phát xít Adolf Hitler lên nắm quyền, tiến hành chiến dịch đàn áp người Do Thái tại Đức và những nhóm thiểu số khác, khiến Mỹ và các quan chức Olympic quốc tế lo ngại.
Những người ủng hộ nhân quyền đã thúc đẩy tẩy chay kỳ Olympic này, nỗ lực thuyết phục các vận động viên da màu không tham gia. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Mỹ "đạo đức giả", bởi cộng đồng da màu tại nước này vẫn là nạn nhân của luật Jim Crow, được ban hành trên khắp miền nam và một số bang miền bắc nhằm bác bỏ các quyền dân sự của người Mỹ gốc Phi, cũng như những hình thức phân biệt đối xử khác.
Cuối cùng, Hiệp hội Thể thao Nghiệp dư Mỹ (AAU) tiến hành bỏ phiếu và quyết định vẫn tham gia Olympic Berlin, với kết quả sít sao. Những quốc gia khác đang cân nhắc tẩy chay, như Canada, Anh, Pháp, Thụy Điển và Hà Lan, cũng nối gót Mỹ. Tuy nhiên, Olympic Berlin 1936 bị coi là công cụ tuyên truyền của Đức Quốc xã.
Cuộc tẩy chay Olympic thực sự diễn ra vào năm 1980, khi Moskva được chọn là địa điểm tổ chức. Ngày 21/3/1980, Jimmy Carter, tổng thống Mỹ khi đó, tuyên bố nước này sẽ tẩy chay Olympic Mùa hè tại Moskva, không cử vận động viên đến thi đấu, nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Liên Xô ở Afghanistan từ cuối năm 1979.
Quyết định tẩy chay đi kèm một số biện pháp khác, trong đó có lệnh cấm vận ngũ cốc. Anh và Australia ban đầu ủng hộ, nhưng cuối cùng vẫn cử đoàn tham gia sự kiện. Động thái của Mỹ cũng không khiến Liên Xô rút khỏi Afghanistan. Một nhóm vận động viên Mỹ đã kiện chính phủ nhằm giành quyền đến Moskva thi đấu, nhưng không thành công.
Ký ức về cuộc tẩy chay năm 1980 được cho là lý do Washington tỏ ra bớt gay gắt hơn đối với Olympic Bắc Kinh 2022, chỉ dừng lại ở mức không cử quan chức tham gia, bởi bên chịu thiệt hại nặng nề nhất sẽ là các vận động viên Mỹ nếu chính quyền tẩy chay hoàn toàn.
Hồi tháng 7/2020, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Olympic Moskva 1980, giám đốc Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ Sarah Hirshland đã đăng một bức thư lên mạng xã hội Twitter để gửi lời đến những vận động viên không được thi đấu vào năm đó.
"Bài học muộn màng chúng tôi rút ra được là quyết định không cử đoàn vận động viên đến Moskva không ảnh hưởng gì tới nền chính trị toàn cầu lúc bấy giờ, mà chỉ gây tổn hại đến các bạn, những vận động viên Mỹ đã cống hiến hết mình để trở nên xuất sắc và có cơ hội đại diện cho đất nước. Chúng tôi có thể dõng dạc tuyên bố rằng các bạn xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn", bức thư có đoạn.
Để "ăn miếng trả miếng", Liên Xô cũng quyết định tẩy chay Olympic Mùa hè 1984 tại thành phố Los Angeles của Mỹ. Tuyên bố được đưa ra vào ngày 8/5/1984, vài tháng trước sự kiện.
"Từ những ngày đầu chuẩn bị cho Olympic, chính quyền Mỹ được biết là đã tìm cách lợi dụng kỳ đại hội này vì mục đích chính trị. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chống Liên Xô cuồng loạn đang được kích động tại đây", tuyên bố có đoạn. Liên Xô còn bày tỏ lo ngại về mức độ bảo đảm an toàn cho các vận động viên tại Los Angeles, trước nguy cơ các cuộc biểu tình chống Liên Xô có thể xảy ra.
Đáp lại, chính quyền tổng thống Mỹ Ronald Reagan cáo buộc quyết định của Liên Xô là "hành vi chính trị trắng trợn không dựa trên căn cứ thực sự nào". 13 nước ủng hộ Liên Xô cũng đưa ra các tuyên bố tương tự và không tham gia Olympic tại Los Angeles, đồng thời tổ chức một sự kiện song song có tên Đại hội Thể thao Hữu nghị vào mùa hè năm 1984.
Olympic Mùa hè năm 1956 tại thành phố Melbourne của Australia thậm chí trở thành đối tượng của hai cuộc tẩy chay, xuất phát từ những lý do khác nhau.
Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Hà Lan tẩy chay sự kiện nhằm phản đối Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, trong khi Lebanon, Iraq và Ai Cập không cử đoàn vận động viên đến Melbourne để phản đối Israel tiếp quản kênh Suez, hay còn được gọi là Khủng hoảng Kênh đào Suez.
Đây là kỳ Olympic đầu tiên được tổ chức tại Nam Bán cầu, nhưng được cho là không thành công về mặt số lượng vận động viên tham gia, khi chỉ gồm chưa đầy 3.500 vận động viên từ 67 nước. Trước đó, Olympic Helsinki năm 1952 tại Phần Lan có tới 4.955 vận động viên thi đấu. Con số này tăng lên 5.338 vào kỳ Olympic năm 1960 tại Rome, Italy.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)