Ban tổ chức Olympic Bắc Kinh tuần qua thông báo sẽ không bán vé đại trà cho khán giả vì diễn biến phức tạp của Covid-19 tại Trung Quốc. Thay vào đó, những ai nhận vé mời mới được đến xem các sự kiện trong khuôn khổ sự kiện thể thao mùa đông lớn nhất thế giới năm nay, dự kiến diễn ra ngày 4 - 20/2.
Theo dự báo ban đầu của ủy ban tổ chức Olympic mùa đông Bắc Kinh, trước khi có quyết định hạn chế khán giả, doanh thu từ tiền vé cho chuỗi sự kiện được kỳ vọng đạt 118 triệu USD. Bản thân con số này đã bị giới quan sát hoài nghi từ cuối năm ngoái, khi Bắc Kinh thông báo không đón khán giả quốc tế vì chính sách chống Covid-19.
Ngân sách tổ chức là yếu tố then chốt giúp Trung Quốc giành được quyền đăng cai Olympic mùa đông 2022. Ngoài Bắc Kinh, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) năm 2015 chỉ cân nhắc thêm một hồ sơ "tranh cử" từ Almaty của Kazakhstan.
Danh sách ứng viên ban đầu có Krakow của Ba Lan, Stockholm của Thụy Điển, Lviv của Ukraine và Oslo của Na Uy. Tuy nhiên, tất cả thành phố đã tự rút hồ sơ do dự toán chi phí đầu tư quá lớn.
Giám đốc truyền thông cho Olympic Bắc Kinh Zhao Weidong gần đây thừa nhận với báo giới rằng đại dịch sẽ làm tăng chi phí. Ông trấn an dư luận với tuyên bố ủy ban có thể cắt giảm chi tiêu ở một số hạng mục khác nhưng không tiết lộ cụ thể.
Khi cạnh tranh các thành phố khác trên thế giới vào năm 2015, Bắc Kinh thuyết phục thành công IOC với gói ngân sách hơn 3 tỷ USD, đã gộp chi phí tổ chức và xây dựng cơ sở thể thao.
Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá dự toán không bao gồm những khoản đầu tư hạ tầng khổng lồ, trong đó có tuyến đường sắt cao tốc giữa Bắc Kinh và khu trượt tuyết Trương Gia Khẩu, cách thủ đô Trung Quốc khoảng 200 km về phía bắc.
Theo một số chuyên gia, hiện tượng chi phí tổ chức Olympic tăng gấp đôi từ thời điểm thành phố được chọn đăng cai đến ngày khai mạc khá phổ biến. Wladimir Andreff, chuyên gia về kinh tế thể thao thuộc Đại học Paris 1 Pantheon - Sorbonne, ví von đây là "lời nguyền" đăng cai Olympic.
"Dù ai thắng, họ cũng tự đóng đinh vào chân mình", ông nhận định.
Andreff giải thích rằng các thành phố đăng cai Olympic thường dự toán thấp hơn thực tế số tiền họ cần bỏ ra cho sự kiện thể thao, đồng thời phóng đại lợi nhuận kỳ vọng.
Covid-19 khiến tổ chức Olympic thêm rắc rối và tốn kém hơn. Thế vận hội mùa hè ở Tokyo, diễn ra sau một năm trì hoãn vì đại dịch, khiến tổng đầu tư tổ chức tăng gấp đôi so với dự toán vào năm 2013, thời điểm Nhật Bản được trao quyền đăng cai.
Nguồn thu từ du lịch cũng khó đạt đúng kỳ vọng ban đầu từ ban tổ chức Olympic Bắc Kinh. Andreff cảnh báo đại dịch và quyết định thi đấu đóng cửa với khán giả đồng nghĩa hàng trăm nghìn lượt du khách sẽ không đến Trung Quốc như nước này từng dự tính vào năm 2015.
Theo Andrew Zimbalist, chuyên gia kinh tế thể thao thuộc Đại học Smith tại Mỹ, quan điểm Olympic thu hút du khách vốn dĩ gây tranh cãi. Ông lưu ý lượng du khách đến Bắc Kinh vào Olympic mùa hè năm 2008 giảm khoảng 1/5 so với mức trung bình do thủ đô Trung Quốc siết chặt an ninh.
"Du khách thông thường năm 2008 đã ngại đến Bắc Kinh vì họ không muốn chịu cảnh chen lấn, vật giá leo thang, nguy cơ khủng bố hoặc những vấn đề an ninh khác. Du lịch ăn theo Olympic tăng nhưng du lịch thông thường lại giảm", ông nói.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đang đánh cược vào những lợi ích mang tính dài hạn hơn cân bằng chi thu đơn thuần của Olympic năm nay. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu phổ biến thể thao mùa đông đến 300 triệu dân, từ đó tạo ra một ngành công nghiệp mới. Theo những số liệu chính thức, họ đã hoàn thành được mục tiêu này.
Nhưng điều này cũng đồng nghĩa Trung Quốc phải thiết lập cơ sở hạ tầng mới, chẳng hạn khu nghỉ dưỡng Diên Khánh được xây dựng để phục vụ Thế vận hội, với đường đua đầu tiên ở Trung Quốc cho môn xe trượt lòng máng, trượt băng nằm sấp và trượt băng nằm ngửa.
Khi IOC họp tại Kuala Lumpur 7 năm trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tự tin gửi thông điệp khẳng định nước ông đủ sức hiện thực hoá mọi lời hứa để tổ chức thành công Olympic mùa Đông 2022.
Đây vừa là sự kiện thể thao mùa đông lớn nhất thế giới, vừa mang ý nghĩa chính trị đối với Trung Quốc. Ông Tập trong thông điệp năm 2015 nhấn mạnh Olympic Bắc Kinh 2022 "không chỉ củng cố niềm tin hiện thực hóa cuộc chấn hưng vĩ đại của dân tộc", mà còn thể hiện "hình ảnh tốt đẹp của đất nước chúng tôi và chứng minh cam kết xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai nhân loại".
Bắc Kinh đã giải quyết xong tình trạng ô nhiễm không khí để phục vụ sự kiện. Tuyến đường sắt cao tốc từ thủ đô đến Trương Gia Khẩu giảm thời gian di chuyển từ 4 xuống một tiếng. Họ xây mạng lưới đường ống khổng lồ, tiếp nước cho hệ thống làm tuyết nhân tạo phục vụ thi đấu thể thao.
Christophe Dubi, giám đốc điều hành của IOC cho sự kiện sắp tới, ca ngợi Trung Quốc là đối tác thiện chí và đủ năng lực thực hiện thành công sự kiện bất chấp những thách thức hiện nay.
Matthieu Llorca, giảng viên Đại học Burgundy của Pháp, đánh giá tiền không phải nỗi lo lớn đối với Trung Quốc ở Olympic mùa đông năm nay. Một số khoản tiền phát sinh có thể được chính phủ Trung Quốc điều chỉnh sang chi phí chống dịch Covid-19 thay vì dành cho sự kiện. Cuối cùng họ vẫn sẽ báo cáo tổ chức kỳ Olympic thành công và không quá đắt đỏ.
"Họ không quan tâm đến chi phí. Hình ảnh quốc gia mới là vấn đề được chú trọng", ông nói.
Trung Nhân (Theo AFP, NY Times)