Vài năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Mỗi ngày, đều có những thông tin về độ nguy hại của không khí, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến nồng độ bụi mịn trong không khí.
Với nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này, tôi cho rằng, việc các ứng dụng cảnh báo chất lượng không khí chỉ nhấn mạnh vào yếu tố nồng độ bụi mịn, từ đó đưa ra các khuyến cáo như: người dân nên ở trong nhà, không ra ngoài đường... là chưa đủ. Bởi, một tác nhân nguy hại khác trong nhà hiếm khi được nhắc đến: Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC).
VOC là một loạt các hợp chất chứa carbon và rất dễ bay hơi ở nhiệt độ phòng. Rất nhiều trong số đó là các hợp chất cực kỳ nguy hại như formaldehyde, benzen, toluen, Etylbenzen, xylenes...
Các nghiên cứu đã chứng minh có hàng ngàn hợp chất hữu cơ dễ bay hơi tồn tại trong không khí, và số lượng không ngừng tăng lên do các hoạt động sản xuất - sinh hoạt của con người. VOC phát sinh chủ yếu từ các đồ vật quen thuộc trong nhà, chẳng hạn như sơn, mỹ phẩm, chất làm mát không khí, quần áo, các thiết bị văn phòng, đồ nhựa...Đây là mối nguy hại rất cao mà tôi cho rằng chúng ta chưa đánh giá đầy đủ và chi tiết.
Tiếp xúc với VOC trong ngắn và dài hạn đều mang đến những tác hại tiêu cực đối với sức khỏe con người. Trong ngắn hạn, VOC có thể gây chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, kích ứng mũi, họng, kích ứng phổi.
Nếu tiếp xúc với các chất VOC trong một thời gian dài sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: tổn thương gan, thận, phổi. Tổn thương hệ thần kinh trung ương, thậm chí gây ung thư (formaldehyde, benzen, toluen, Etylbenzen, xylenes...đều là những chất được các tổ chức y tế xếp vào nhóm gây ung thư nếu phơi nhiễm trong thời gian dài).
Nhiều người không biết cách để phòng tránh VOC. Nếu như bụi mịn chúng ta có thể phòng tránh bằng cách sử dụng máy lọc không khí trong nhà, hay sử dụng khẩu trang N95 khi di chuyển ngoài đường, thì VOC rất khó để khử sạch.
Nghiên cứu Phương pháp Đánh giá Phơi nhiễm Tổng thể (TEAM) của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) từ những năm 1980 đã khẳng định, VOC trong nhà cao hơn ngoài trời, kể cả ở khu vực nông thôn.
Đặc biệt, với những ngôi nhà mới xây, xưởng sản xuất hoặc khu vực nhiều hóa chất. Đây là vấn đề cần quan tâm khi nước ta đang trải qua quá trình đô thị hóa rất mạnh mẽ, tỷ lệ dân đô thị không ngừng tăng lên.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các hóa chất ngày một nhiều khiến cho chất lượng không khí trong nhà kém đi. Đặc biệt, chúng ta dành đến 70- 80% thời gian ở trong nhà (nhà riêng, cơ quan, công sở, trường học), nên việc tiếp xúc với VOC là rất đáng lưu tâm.
Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần có những công trình nghiên cứu chi tiết, đầy đủ hơn về tác hại của VOC. Đồng thời cần tuyên truyền đầy đủ hơn về mối nguy hại ngay trong nhà này, để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là ở các đô thị.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát các nguồn phát thải VOC cũng nên được tiến hành chặt chẽ, hạn chế hoặc cấm sử dụng những sản phẩm có thể sinh lượng khí độc hại lớn. Chúng ta cần làm ngay. Bài học bụi mịn còn đó: Khi người dân bắt đầu quan tâm đến chúng, thì Hà Nội và TP.HCM đã kịp lọt top những nơi ô nhiễm nhất thế giới rồi.
Thìn Lê
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.