(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Đã hai mươi ngày kể từ khi Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội được thực hiện, người dân phần đông đã có ý thức ở nhà chống dịch, bảo vệ bản thân. Cùng với những cơn mưa lớn kèm theo đó là rét nàng Bân cuối mùa liên tục, chất lượng không khí tại Hà Nội đã được cải thiện đáng kể.
Nhờ việc cách ly xã hội, nhiều ngành sản xuất phải dừng hoạt động do dịch bệnh. Cùng với những cơn mưa rào mà nàng Bân mang lại, mật độ đi lại ở Thủ đô đã giảm hẳn, những hạt bụi mịn còn lơ lửng trong không khí đã được rửa trôi hoàn toàn. Có những ngày rét nàng Bân, chất lượng không khí tại Hà Nội lại đạt mức "Tốt". Trong suốt một thời gian rất dài trước đây, Hà Nội cũng khá ít khi đạt được chỉ số này, thậm chí còn bị một ứng dụng xếp hạng top thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Như vậy, không chỉ giúp nhà chức trách khoanh vùng, dập dịch Covid-19 hiệu quả khi ba ngày qua không có thêm ca nhiễm mới, mà việc cách ly xã hội còn gián tiếp giúp chất lượng không khí tại Hà Nội tốt hơn hẳn.
Nhiều thông số đánh giá chất lượng không khí có sự chuyển biến tích cực trong giai đoạn cuối tháng 3, cũng như đầu tháng 4. Tình trạng ô nhiễm không khí đã được cải thiện đáng kể, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở TP HCM cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước.
Thời gian phải làm việc ở nhà thế này, mỗi buổi sáng thức dậy, lên ban công tập thể dục, tôi lại được hít thở bầu không khí trong lành, sạch sẽ mà không nhiều lần Hà Nội có được trong suốt thời gian dài trước đó. Chất lượng không khí được cải thiện, sức khỏe của người dân cũng được bảo đảm, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta rất nhiều trái ngọt, nhưng chúng ta đừng trả lại cho thiên nhiên những gì độc hại, ô nhiễm. Ở nhà, không chỉ để phòng dịch mà còn gián tiếp giúp chất lượng không khí tốt hơn. Sau khi nối lại các hoạt động sản xuất hậu đại dịch, hy vọng mỗi người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, hãy thay đổi lối sống, yêu thiên nhiên hơn, đừng xả thải bừa bãi, cần có giải pháp, mô hình biến khí thải, chất thải thành nguồn năng lượng sạch, vứt rác và các chất thải đúng nơi quy định.
Và từ việc đeo khẩu trang phòng bệnh, chúng ta tiến thêm một bước, là nên đeo khẩu trang khi ra đường, nhất là tại những nơi có mật độ đi lại lớn, nhiều khói bụi, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho chính bản thân mình và cho cả cộng đồng.
Cố gắng đừng để một thành phố nào của Việt Nam lọt vào danh sách những nơi ô nhiễm nhất thế giới. Một hành động dù nhỏ như bỏ rác đúng nơi quy định, ở nhà và hạn chế đi lại mùa dịch không chỉ giúp cho không khí trong lành, sạch sẽ mà còn góp phần vào thành công của cuộc chiến với đại dịch Covid-19.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Văn Bình