Về cơ bản, Việt Nam vẫn là một đất nước nông nghiệp nhưng bao năm qua chúng ta vẫn cứ loay hoay với bài toán "trồng cây gì, nuôi con gì" để tăng giá trị kinh tế mà vẫn chưa xong.
Chính vì sự phát triển thiếu quy hoạch, thiếu đồng bộ nên chất lượng nông sản không cao, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên cũng không thể xuất khẩu sang những thị trường khó tính để đạt giá trị cao.
>> 'Dưa lưới Nhật giá chục nghìn USD là không đắt'
Muốn biết nền nông nghiệp Việt Nam ra sao thì hãy cứ nhìn vào những thửa ruộng manh mún của mỗi gia đình. Mỗi thửa ruộng chỉ rộng chưa đầy một sào bắc bộ (360m2), đủ các hình dạng và hầu hết chẳng ra hình thù gì, muốn quy hoạch vùng cũng rất khó.
Người dân vẫn cứ làm nông nghiệp theo kiểu phong trào. Họ thấy người khác trồng cây gì có lãi thì đổ xô nhau trồng dẫn đến cung vượt quá cầu.
Do nuôi trồng theo kiểu tự phát, manh mún nên chất lượng không cao, không đồng đều và cũng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Chỉ nói riêng ở trong nước, nông sản của vùng này đưa ra vùng khác bán cũng khó tiêu thụ vì người tiêu dùng vẫn còn nghi ngờ chất lượng và an toàn thực phẩm.
Cũng do chất lượng không đảm bảo nên khó xuất khẩu nông sản sang những thị trường khó tính như Âu, Mỹ với giá trị cao, mà xuất cho những thị trường dễ tính thì giá trị thấp.
>> Điệp khúc 'giải cứu' khiến nông dân còn mãi nghèo
Trong khi đó, Trung Quốc là một thị trường tiềm năng do khoảng cách địa lý gần, có thể xuất khẩu bằng đường bộ một cách thuận lợi. Thị trường Trung Quốc với hơn một tỷ dân nên không yêu cầu quá cao về chất lượng.
Nói tóm lại, với một nền nông nghiệp còn manh mún, thiếu quy hoạch, thiếu đồng bộ, chất lượng nông sản thấp thì những thị trường dễ tính, đông dân như Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng trong tương lai gần.
Trong một thời gian nữa, khi chất lượng nông sản Việt Nam chưa được cải thiện và nền nông nghiệp chưa phát triển hơn, thì vẫn chưa có thị trường nào tốt hơn thị trường Trung Quốc để xuất khẩu.
Lê Định
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.