Luật sư Khanh Huỳnh, đang sống ở Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết sau việc Gạo ST 25 bị doanh nghiệp Mỹ đăng ký thương hiệu:
Khi quan sát chuyện gạo ST 25 bị đăng ký nhãn hiệu ở Mỹ, tôi cảm thấy rất bối rối khi các chuyên gia Việt Nam cho rằng các công ty Việt Nam không biết đăng ký nhãn hiệu với ai và ở đâu, cùng những lo lắng rằng việc đăng ký nhãn hiệu ở Mỹ hay các nước khác là đắt đỏ.
Việc đăng ký nhãn hiệu ở Mỹ rất đơn giản và ít tốn kém. Những hồ sơ thuận buồm xuôi gió chỉ tốn khoảng 1.200 USD tới 1.500 USD là xong, đồng thời cần vài tờ giấy mà chủ nhãn hiệu cung cấp, mọi thứ có luật sư lo. Điều này đúng cho cả các công ty và cá nhân đang cư trú tại Việt Nam. Tất cả những gì họ cần làm là gọi hay email cho một luật sư chuyên về nhãn hiệu ở Mỹ.
Ngay cả các hồ sơ gặp rắc rối hay bị từ chối thì các luật sư có thể phản hồi lại với Cục Phát minh và Nhãn hiệu của Mỹ (USPTO) và chỉ cần thêm chừng 500 - 1.500 USD nữa là sẽ có nhãn hiệu. Nhìn chung, quá trình đăng ký nhãn hiệu chỉ tốn chừng 1.200 USD tới 3.000 USD là xong.
Quá trình này đơn giản và dễ hiểu tới nỗi chủ nhãn hiệu chỉ cần thuê luật sư và dành vài giờ đồng hồ để gom giấy tờ cho luật sư, mà số giấy tờ cần cho mỗi hồ sơ chỉ vài tờ giấy.
>> 'Dưới 10 công ruộng, không đủ sống với nghề trồng lúa'
Đối với các doanh nghiệp có đăng ký tại Mỹ thì trong nhiều trường hợp các công ty thậm chí còn không phải cung cấp cái gì ngoại trừ tên của nhãn hiệu, loại hàng mà họ bán và thời điểm mà họ bắt đầu bán hàng hay dự trù sẽ bán hàng.
Khoản tiền vài nghìn đôla thật ra là rất nhỏ so với những gì mà các doanh nghiệp sẽ nhận về khi nhãn hiệu của họ được đăng ký. Với gạo ST 25 chẳng hạn, đó sẽ là độc quyền đưa chữ "ST 25" lên bao hàng của mình. Với tình hình hiện tại, nếu chẳng may hồ sơ của công ty Mỹ xin đăng ký "ST 25" được chấp nhận thì món gạo ST 25 thứ thiệt sẽ không còn đường vào Mỹ, trừ khi công ty Mỹ chịu chấp nhận mua món gạo ST 25 do "cha đẻ" của giống lúa này cung cấp cho họ.
Ngay cả vào ở thời điểm này, việc ngăn cản không cho các công ty Mỹ đăng ký nhãn hiệu "ST 25" cũng không có gì là quá khó khăn. Tất cả những gì mà chủ nhãn hiệu này ở Việt Nam cần làm là thuê luật sư để nộp đơn phản đối lên USPTO. Quá trình cũng không khó khăn và một luật sư Mỹ có chuyên môn sẽ làm được rất nhanh chóng. Tiền bạc cũng vậy, đa phần các đơn phản đối này sẽ đạt được thỏa thuận hòa giải, mà khả năng lớn nhất là công ty "đi trước" sẽ phải rút đơn. Đại khái quá trình từ nộp đơn tới hoà giải chỉ phải tốn chừng 10.000 USD.
Trong nhiều trường hợp, các công ty ở vào thế "sai và biết là mình sai" còn bỏ chạy khi họ thấy đơn phản đối được nộp lên. Kết quả là họ... không phản hồi gì và yêu cầu của bên phản đối sẽ được USPTO chấp nhận mà không hỏi gì thêm. Trong trường hợp này, chi phí chỉ khoảng 3.000 - 4.000 USD.
Đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam, việc đăng ký nhãn hiệu ở các nước khác còn một khả năng nữa là dùng các công ty luật ở Việt Nam. Sau khi nộp đơn trong nước, các công ty có thể nộp luôn đơn lên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới -World Intellectual Property Organization (WIPO) thông qua các công ty luật để xin bảo hộ ở các nước và vùng lãnh thổ khác nhau. Mỗi nước chỉ tính phí khoản vài trăm tới chừng một nghìn đôla, với châu Âu là đắt nhất. Bù lại, khi nhãn hiệu được đăng ký ở châu Âu thì nó sẽ được bảo hộ ở 28 nước.
>> Cùng tác giả: Đạo nhái Nữ thần Tự do ở Sapa - du lịch hời hợt
Các công ty luật ở Việt Nam đủ sức để làm và thực tế, họ đã làm việc này rất nhiều. Mỗi khi hội Nhãn hiệu thế giới (INTA) hội họp thì các công ty luật Việt Nam đều có mặt với gian hàng của họ. Các doanh nghiệp trong nước vì vậy cần phải tận dụng các công ty luật này để đăng ký nhãn hiệu. Trong nhiều trường hợp, đi qua "ngả" WIPO với các công ty luật Việt Nam còn tiết kiệm được nhiều hơn.
Chuyện "đăng ký với ai, ở đâu và làm thế nào" sẽ được giải quyết một cách hết sức đơn giản nếu doanh nghiệp Việt liên lạc với một công ty luật tài sản trí tuệ ở nước mà họ muốn đăng ký. Chi phí trên thế giới cũng "xêm xêm" như nhau và Mỹ với châu Âu thuộc loại đắt đó nhất nhưng ước tính chi phí cũng như trên, không có gì quá đáng.
Ngồi đó trông chờ nhà nước "cầm tay, chỉ việc" khi ra ngoài để kinh doanh là một nhược điểm của các doanh nghiệp Việt Nam. Ở nước ngoài, các vấn đề pháp lý do các luật sư đảm nhiệm, nếu có vấn đề chỉ cần hỏi họ là xong.
Sự sợ hãi trước những cái gọi là "rắc rối pháp lý" hay mong ước "chỉ muốn làm khoa học" đã và đang khiến cho doanh nghiệp Việt mắc kẹt trong cái vũng bùn mà họ tự tạo ra.
Hậu quả không phải chỉ là "mất nhãn hiệu" hay "động chạm tới niềm tự hào dân tộc". Nó là tiền tươi thóc thật, là cơ hội làm ăn cho rất nhiều người Việt, là kim ngạch thương mại, là chỗ đứng cho doanh nghiệp Việt trên thế giới.
Vài nghìn đôla, tức là vài chục triệu đồng, và một cú gọi hay email cho các công ty luật là tất cả những gì mà các doanh nghiệp cần bỏ ra. Cái hố ngăn cách doanh nghiệp Việt với những nhãn hiệu được đăng ký ở nước người chỉ là thái độ sợ hãi mà thôi.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.