Sau thông tin dưa lưới Nhật giá hàng chục nghìn USD một trái ,độc giả Tran Minh Giang lý giải:
Nhiều người Việt nói chung vẫn mang tư tưởng so sánh bằng số lượng. Một trái dưa giá hàng chục nghìn USD đem so sánh với hàng nghìn quả dưa bình thường và mạnh dạn kết luận là ... không đáng, là thổi giá.
Trong bóng đá, một cầu thủ một triệu hay 100 triệu USD cũng có, mà vài ngàn đến vài trăm ngàn USD cũng có. Nhưng không ai lại so sánh là mua cầu thủ này bằng việc mua 1.000 cầu thủ khác.
Giá trị hàng hóa được phản ánh trong quy luật cung cầu và chuỗi giá trị gia tăng. Một kg gạo giá khác, nhưng chuyển thành một kg bún thì giá khác. Bún tươi đem nấu thành tô bún bò, bún thịt nướng lại khác.
Một quả dưa gang hàng cao cấp, để được gọi là cao cấp không đơn thuần trồng xuống đất và cứ thế đợi quả chính và thu hoạch. Giống như một kg bò Kobe không phải chỉ đơn thuần đem con bò nuôi ở Kobe đợi lớn và lấy thịt là xong.
>> Chùm nho 11 triệu đồng: Ngon thật hay chỉ là nghệ thuật bán hàng của người Nhật?
Trong khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến... từng giai đoạn đều có những giá trị gia tăng riêng làm nên giá trị cuối cùng tăng lên nhiều lần của sản phẩm.
Bạn có thể ăn quả dưa hàng chục nghìn USD và thấy nó không khác gì quả dưa thường, nhưng những tầng lớp thượng lưu họ sẽ không thấy vậy. Hơn nữa những quả dưa bạc triệu, bạc tỷ này thường được dùng làm quà biếu sang trọng bậc nhất chứ không đơn thuần là cứ ra chợ bỏ bạc tỷ ra mua dưa này về ăn.
Mục đích sử dụng khác nhau cũng chính là lý do làm nên giá trị ngất ngưởng của nông sản Nhật Bản. Và người dùng yên tâm rằng là giá đó công khai, thuận mua vừa bán, và chưa chắc gì nhiều tiền đã mua được. Khi bạn chưa hiểu hết giá trị của sản phẩm, thì đừng vội chê khen đắt rẻ. Một con cá đầu mùa săn bắt thường được bán với giá cao gấp nhiều lần những con cá khác, dù chất lượng là như nhau.
>> 'Kêu gọi lòng trắc ẩn để công chức mua vải thiều ế là sai lầm'
Một trái xoài ở Việt Nam bán tại vườn tầm 5 nghìn đồng, ra chợ quê 10 nghìn đồng, nhưng vào siêu thị thành phố lớn là 50 nghìn đồng. Xuất khẩu đến thị trường Nhật Bản là 600 nghìn đồng. Vậy khác biệt là gì? Không chỉ là chuỗi cung ứng làm tăng giá trị, mà là việc bán đúng sản phẩm cho người cần mua.
Vậy, thay vì chỉ trích người khác trong việc bỏ hàng đống tiền để ăn quả dưa bạc tỷ, hay một kg thịt bò bạc triệu... thì phải đứng ở vị trí người mua để nhìn nhận giá trị.
Người có tiền họ có nhu cầu thưởng thức những sản phẩm thượng lưu, dù đôi khi hương vị thực sự khác biệt không nhiều với sản phẩm bình dân. Nhưng quan trọng là họ biết thưởng thức cái sự khác nhau đó, dù là rất nhỏ.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.