Hơn tháng nay, na (mãng cầu) Thái Lan xuất hiện khắp các cửa hàng, chợ truyền thống và khá hút khách Việt. Giá bán bằng, thậm chí thấp hơn hàng Việt nhưng na nhập từ Thái Lan có mẫu mã đẹp, trọng lượng gấp đôi nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Độc giả Đỗ Việt Hưng cho rằng người nông dân Việt chưa chuyên nghiệp, canh tác nhỏ lẻ, manh mún và nguồn cung không ổn định:
"Hai đất nước điều kiện khí hậu ngang nhau, tôi tin rằng giống tốt trồng ở ta sẽ thơm và ngon hơn hàng Thái. Tôi đã nhiều năm đi lại hai nước nên hiểu rõ thổ nhưỡng. Nhưng tại sao ra kết cục này?
Tôi cho rằng nông dân chưa chuyên nghiệp. Người nông dân "dày ăn, mỏng làm" và không kiên trì. Cứ nghe cây gì kiếm được đổ xô vào nên nguồn cung rất không ổn định.
Mặt khác, tư duy làm nông trại của ta không lớn vì sợ 'làm ăn lớn'. Nông dân Thái có cuộc sống không sung túc như nông dân ta đâu nhưng họ chăm chỉ vô cùng.
Theo tôi, nhà nông cần thay đổi tư duy. Hãy làm ra những sản phẩm tốt nhất, sản lượng cao nhất và giá thành cạnh tranh. Làm nông hãy chuyên nghiệp làm nông, chịu khó chăm chút cho mảnh vườn của mình, chứ cứ cấy lúa rồi đi phụ hồ thì chả bao giờ có sự nghiệp nông nghiệp tốt đâu.
Hãy là nông dân một cách chuyên nghiệp".
Độc giả có nickname Bụi Trần: "Nông dân ta không có hướng đi bền vững. Hầu như chỉ có bà con tự bươn chải, ngoài lúa có công ty bao tiêu. Cho nên thấy cái gì có giá là đốn hạ ngay cái đang trồng, rồi khi ai cũng có thì giá nó khác rồi.
Cái này cần phải có định hướng từ cơ quan nông nghiệp. Tôi thấy toàn khuyến cáo khi nông dân ồ ạt trồng, chứ ít thấy chuyện đưa mô hình cây trồng vật nuôi định hướng lâu dài cho bà con".
Độc giả có nickname nongdanmientay46 chỉ ra những hạn chế khách quan và thiệt thòi của nông dân Việt:
Ở miền Tây đất phù sa tốt rất ít và cũng đã trồng các loại đặc sản như sầu riêng, vú sữa... Diện tích đất còn lại là nhiễm phèn hoặc mặn. Tỉnh Long An đã trồng loại na này rất nhiều nhưng không có kết quả tốt. Mặt khác, nông dân Việt rất ít được hỗ trợ kỹ thuật, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có giá rất cao dẫn đến chi phí cao.
So với Thái thì nông dân chúng ta rất thiệt thòi về nhiều mặt, hiện tại giá chanh không hạt tại vườn chỉ có vài nghìn một kg, theo các bạn thì tại lý do nào?".
Không chỉ riêng na Thái Lan, mà các loại nông sản, trái cây khác người Thái làm ra thường được chính người tiêu dùng trong nước đánh giá chất lượng cao hơn hàng Việt.
Chưa kể một số nông sản Nhật Bản được nhập khẩu về nước và được bán với giá rất đắt, chẳng hạn như chùm nho Nhật được bán với giá 11 triệu đồng.
Một số người cho rằng chúng ta nên theo đuổi nông nghiệp chất lượng cao, với những sản phẩm tốt, bán với giá cao thì mới có lợi cho người nông dân và kinh tế, thay vì chỉ chú trọng vào số lượng như lâu nay. Nhưng ai sẽ là người giải bài toán này?
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Không đồng tình với quan điểm trên, độc giả Bapt cho rằng người nông dân chỉ có thể lo cho mảnh vườn của mình chứ không thể tính toán vĩ mô: