Mấy ngày vừa qua, chuyện con tôm và cây lúa ST 24, ST 25 được bàn tán nhiều trên báo chí cũng như các phương tiện truyền thông. Thật ra "con tôm ôm cây lúa" hay theo cách nói bây giờ "lúa thơm tôm sạch", đã là một mô hình được huyện Cần Đước, tỉnh Long An quê tôi thực hiện hơn 30 năm trước. Tuy nhiên, trong điều kiện chính trị, kinh tế, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật nông nghiệp lúc đó chưa phát triển như bây giờ, nên mô hình không thể thực hiện được.
Tôi là một nông dân có thâm niên trên 50 năm trồng lúa thơm ở ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, không thể ngờ rằng ở Cà Mau lại có một mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả "khủng" cho người trồng lúa thơm ST 24, ST 25 như vậy. Chỉ riêng trồng lúa thôi, với năng suất 6-7 tấn/ha, giá bán từ 8.000-9.000 đồng/kg, lãi 5 triệu/công ruộng, thì nông dân quê tôi với đặc sản Nàng thơm chợ Đào, có nằm mơ cũng chưa thấy.
Không còn thời hoàng kim Nàng thơm chợ Đào
Nông dân canh tác lúa Nàng thơm chợ Đào ngày càng gặp khó khăn hơn. Cách đây khoảng năm thập niên, người nông dân trồng lúa Nàng thơm chợ Đào vẫn còn dùng phân hữu cơ, không phun xịt bất cứ loại hóa chất thuốc bảo vệ thực vật nào. Khi lúa ngoài đồng trổ chín thì đã có hương thơm rồi. Gạo đem về nhà nấu cơm sau bếp, khi cơm bắt đầu sôi thì mùi thơm đã tới trước sân nhà.
Qua quá trình canh tác, hai đặc tính thơm và dẻo của gạo Nàng thơm chợ Đào giảm đi rất nhiều do phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: sự thoái hóa của giống do cách chọn giống thiếu khoa học của nông dân; lượng phù sa bồi lấp hằng năm trên đồng ruộng ngày càng ít đi; phương pháp canh tác dùng phân đạm là chủ yếu, ít dùng phân hữu cơ; phun xịt thuốc hóa học, không cày lật đất để trao đổi, bổ sung và hình thành một số dưỡng chất trong thiên nhiên bị mất đi hằng năm; phèn mặn tích tụ ngày càng nhiều trên ruộng đồng... Tất cả làm cho hạt gạo Nàng thơm chợ Đào mất dần đặc tính thơm nguyên thủy.
Cách nay hơn 30 năm, mỗi vụ thu hoạch Nàng thơm chợ Đào vào dịp trước Tết Nguyên đán thì nông dân xã tôi cũng vui vẻ chuẩn bị đón Tết thật tươm tất, bởi "được mùa mà lại trúng giá". Các Công ty lương thực từ Long An đến Tiền Giang, Cần Thơ cùng với thương lái tư nhân tranh nhau mua lúa với giá cao ngất ngưởng. Tôi nhớ lúc đó, nông dân bán lúa với đơn giá gấp đôi giá lúa thông dụng.
Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng đầu tháng Chạp, con đường tỉnh 826 lại nhộn nhịp hẳn lên, hai bên đường quầy bán gạo Nàng thơm mọc lên san sát, quầy nào cũng trương bảng hiệu "Gạo Nàng thơm chợ Đào nguyên chủng".Trên đường tấp nập xe qua lại: xe máy, xe con, có cả xe cơ quan xí nghiệp, xe tham quan qua đây, xe nào cũng dừng lại đôi phút. Người mua ít cũng 5, 10 ký để cúng ông bà tổ tiên trong ba ngày Tết, nhiều hơn thì vài ba chục ký tặng người thân, bạn bè, cơ quan xí nghiệp cũng mua làm quà cho cán bộ nhân viên...
Nhưng vài năm gần đây, doanh nghiệp địa phương đã không còn hợp đồng với nông dân trồng lúa Nàng thơm chợ Đào nữa. Họ chỉ mua lúa theo giá thị trường đối với nông dân nào mua lúa giống do họ cung cấp. Những cụm từ "khóc ròng với Nàng thơm chợ Đào" không còn là câu chữ cường điệu trên báo chí, truyền thông nữa, mà là một thực tế đã và đang diễn ra đối với nông dân trồng lúa ở xã Mỹ Lệ mấy năm nay. Tết Nhâm Dần, vụ đông xuân 2022 cũng không là ngoại lệ.
>> 'Nâng giá lúa, giữ nông dân'
Nông dân không còn mặn mà với Nàng thơm chợ Đào
Vụ đông xuân hằng năm, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An có khoảng 400 ha lúa Nàng thơm chợ Đào trồng các ấp: Cầu Chùa, Rạch Đào, Vạn Phước, Cầu Làng, Cầu Nhỏ... Ảnh hưởng biến đổi khí hậu những năm gần đây, cộng với tình trạng thiếu nước thường xuyên xảy ra trong thời kỳ cây lúa trổ chín (từ giữa tháng 11 đến đầu tháng một năm sau), cũng như đầu ra giá thấp, nên ruộng lúa Nàng thơm chợ Đào mỗi năm một giảm dần.
Mới đây, hai khu dân cư ấp Cầu Chùa xã Mỹ Lệ và ấp 6 Tân Trạch (đang bỏ hoang) nằm chắn ngang đường nước tưới tiêu càng làm làm cho nông dân ở đây không lấy được nước vào ruộng. Một số nông dân phải bơm nước từ sông Cầu Bà Tượng thuộc xã Tân Trạch, sông Rạch Đào, cách ruộng hàng km. Có năm, lúa mới trổ, nhưng vì đất khô nứt nẻ, dẫn đến thất thu từ 30-40% sản lượng. Với sáu công ruộng, có người đã tốn hơn một triệu đồng tiền xăng, chưa kể công bốn lần bơm và sửa chữa đường ống, bơm ít nhất vài ba lần mới có đủ nước cho lúa trổ chín.
Năm nay, tôi canh tác bốn công lúa Nàng thơm chợ Đào ở ấp Cầu Chùa với giống lúa được Đại học Cần Thơ phục tráng; nhưng năng suất chỉ có 3,8 tấn/ha. Như mọi năm, trừ hết chi phí, tính ra tôi chỉ lời khoảng 1,2 triệu đồng/công.
Một người khác cùng ấp với tôi canh tác tám công ruộng lúa Nàng thơm chợ Đào, thu hoạch trước ngày 20 tháng Chạp mà chỉ bán được 8.000 đồng/kg. Tính ra lời khoảng một triệu đồng/công. Những nông dân thu hoạch cận Tết thì giá bán chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg. Và sau Tết chắc chắn Nàng thơm chợ Đào sẽ có giá bèo hơn nữa.
Trước tình hình trên, vài năm gần đây nhiều hộ nông dân không còn thiết tha với giống lúa thơm Nàng thơm chợ Đào nữa. Có người đã chuyển từ lúa Nàng thơm chợ Đào sang làm tài nguyên vì năm nay chỉ bán được 6.000 đồng/kg. Cho dù sử dụng công nhà, từ khâu gieo sạ tới trổ chín, nhưng cũng chỉ kiếm được khoảng 500.000 đồng/công. Người khác canh tác 1,5 ha cũng chuyển sang làm lúa RVT thay cho Nàng thơm chợ Đào, cũng lời khoảng trên dưới một triệu đồng/công.
>> 'Tư duy coi trọng thị trường nước ngoài hơn nội địa khiến nông dân nghèo'
Cần mạnh dạn thay đổi cơ cấu giống
Vùng đất xã Mỹ Lệ là cái nôi của lúa Nàng thơm chợ Đào. Tuy nhiên một giống lúa thơm đã tồn tại hằng trăm năm nay và hiện tại không còn được nông dân ưa chuộng nữa vì nhiều lý do thì tại sao địa phương lại không mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác như ST 24, 25 chẳng hạn?
Trước hết, Nàng thơm chợ Đào trong thực tế canh tác nhiều năm nay với năng suất không quá 4 tấn/ha, kém xa so với ST 24, ST 25 (6-7 tấn/ha). Gạo Nàng thơm chợ Đào chất lượng không còn như xưa và giá bán hiện tại chỉ từ 22.000-25.000 đồng/kg; trong khi gạo ST 24, ST 25 có giá bán từ 34.000-38.000 đồng/kg.
Thứ hai, vùng đất Mỹ Lệ (chợ Đào) đã làm nên chất lượng Nàng thơm chợ Đào hàng trăm năm nay, nên tôi nghĩ rằng sẽ đem lại chất lượng không thua kém vùng đất nào trồng giống lúa thơm ST 24, ST 25.
Thứ ba, gạo Nàng thơm chợ Đào chính gốc mà chất lượng chưa đạt thì gạo Nàng thơm chợ Đào giả bày bán từ TP HCM đến các tỉnh thành khác chất lượng càng kém hơn, càng làm thương hiệu này mất dần uy tín.
Thứ tư, bước đầu, chính quyền địa phương có thể hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật gieo trồng cho nông dân, để từ đó nhân rộng mô hình lúa ST 24, ST 25.
Vừa qua, Trung tâm Nông nghiệp và Dịch vụ huyện Cần Đước đã cho trồng thử nghiệm giống ST 24 và ST 25 ở ba xã Phước Đông, Tân Lân và Long Hựu Tây. Tuy bước đầu năng suất chỉ từ 4,5- 5 tấn/ha và giá bán từ 5.500-7000 đồng/kg thôi, nhưng người nông dân ở đây rất vui mừng và phấn khởi.
Trên bản đồ hành chính, xã Mỹ Lệ nằm tiếp giáp giữa vùng thượng và vùng hạ của huyện Cần Đước, có diện tích tự nhiên khoảng 1.200 ha và trên dưới 12.000 dân. Xã nằm cách TP HCM khoảng 30 km về hướng Bắc, nằm trên các đường giao thông lớn như: Quốc lộ 50 và đường 826 (tỉnh lộ 18 cũ) nối liền với quận 8 và huyện Bình Chánh. Ngoài ra, còn có con sông Rạch Đào thông ra sông Vàm Cỏ Đông.
Với đặc điểm về địa lý và giao thông như trên, xã Mỹ Lệ có một vị trí khá quan trọng phát triển về nhiều mặt, nhất là kinh tế. Tôi nghĩ chính quyền địa phương nên mạnh dạn thay Nàng thơm chợ Đào bằng ST 24, ST 25 với những bước đi căn cơ và bền vững để tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, với vị trí địa lý huyện Cần Đước như hiện nay, chuyện áp dụng mô hình "con tôm ôm cây lúa" cho những xã có điều kiện tương tự Cà Mau là hoàn toàn khả thi.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.