(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Những năm gần đây, sông Cửu Long bị chặn dòng bởi hàng chục đập thủy điện trên thượng nguồn, nên vùng đồng bằng Nam Bộ bị thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Tình trạng này sẽ còn xảy ra thường xuyên và mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Một số giải pháp công nghệ như chiết xuất hoặc chưng cất nước ngọt ở trong và ngoài nước được giới thiệu suốt nhiều năm qua. Nhưng theo tôi, người dân không nên phí tiền áp dụng những giải pháp này. Nước ta có khí hậu gió mùa, mưa nhiều vào mùa mưa, nên giải pháp đơn giản và rẻ tiền nhất là điều tiết lưu lượng nước. Cụ thể hơn là tích trữ nước ngọt vào mùa mưa để dành cho mùa khô, như ông bà ngày xưa đã từng làm.
Một thiết bị trữ nước có thời hạn sử dụng hàng chục năm, giá từ 5-10 triệu đồng, có thể chứa khoảng 3m3 đến 5m3 nước sạch vào mùa mưa, đủ dùng cho một hộ gia đình vào mùa khô. Rẻ và tiết kiệm thời gian hơn bất kỳ công nghệ chiết xuất nước ngọt nào, có giá vài chục triệu đồng, nhưng mỗi ngày chỉ được từ 5-10 lít nước, với rủi ro hư hỏng cao hơn nhiều.
Những thiết bị sử dụng giải pháp chưng cất bằng năng lượng mặt trời có giá thành rẻ hơn, nhưng cần phải phát quang một khoảng trống khá lớn để lấy ánh nắng, làm giảm diện tích cây xanh. Chưa kể một số vùng nước bị cạn kiệt hoặc ô nhiễm nặng nên cũng không còn nguồn nước phù hợp để chưng cất...
>> Đề xuất cách rửa mặn đồng bằng sông Cửu Long
Các giải pháp chưng cất nước ngọt bằng năng lượng mặt trời còn phát sinh rất nhiều phiền phức khác. Tương tự như việc trước đây phát động phong trào khuyến khích người dân ở một số vùng sử dụng bếp năng lượng mặt trời bằng chảo parabol, hoặc bếp hình hộp. Dù mất nhiều thời gian hơn nhưng thức ăn bữa sống bữa chín. Tiền năng lượng tiết kiệm được không đủ bù cho các chị mua thuốc cảm hay kem chống nắng. Ngay từ đầu, tôi đã muốn phản bác chương trình đó nhưng chẳng biết phải làm sao, nên chỉ nói đùa với bạn bè đây là giải pháp "đẩy người nghèo vào cảnh khổ". Kết quả chắc ai cũng biết, nhưng nhắc lại vẫn thấy buồn.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần tiến hành nạo vét các kênh rạch, ao hồ để trữ nước sinh hoạt. Mọi người nên nâng cao ý thức vệ sinh chung để bảo vệ các nguồn nước không bị ô nhiễm.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Dương Chí Nhân