Người thân của tôi có một trung tâm giáo dục khá lớn ở Hà Nội. Trung tâm có năm tầng, tầng một dành cho tiếp đón và ăn bán trú buổi trưa cho các cháu, tầng hai dành cho các cháu mầm non từ 12 tháng đến sáu tuổi. Ở tầng này có một phòng dành riêng cho các cháu bị tự kỷ, cần giáo dục, can thiệp đặc biệt. Tầng ba và tầng bốn dành cho các học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, các cháu được học Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh. Tầng năm dành cho giáo dục về văn hóa nghệ thuật như MC, hát múa...
Dịp hè vừa rồi, tôi có tham gia làm việc ở trung tâm này với nhiều vai trò như: giáo viên dạy Toán cho cho khoảng 100 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12; bảo mẫu; bảo vệ... Trong thời gian hai tháng hè như vậy, tôi nhận thấy, trong số các cháu tham gia học ở đây, có rất nhiều cháu thông minh, nhanh nhẹn. Tuy vậy, điều đáng buồn là trung tâm này cũng có rất nhiều cháu bị tự kỷ.
"Con họ có không bình thường thì người ta mới nhờ mình dạy", một cô giáo ở đây nói với tôi như vậy. Có cháu gái sáu tuổi, rất xinh xắn, nhưng trí não chỉ được như đứa trẻ sáu tháng tuổi. Cháu chẳng biết gì, không nói được nhiều, đôi mắt vô hồn, thậm chí đi vệ sinh cũng không thể tự chủ... Với những cháu như thế này mà không được giáo dục và bao bọc cẩn thận thì chuyện bị lạm dụng rất có thể xảy ra.
Lại có các cháu khác từ mầm non đến lớp 12 bị tăng động, giảm chú ý. Những em này chúng tôi phải giám sát từng giây, từng phút một. Hôm nào cũng làm việc từ sáng đến tối muộn nên các thầy cô như chúng tôi thường rất mệt mỏi, đôi khi bực bội. Nhiều hôm tôi vừa phải hỗ trợ kiến thức cho rất nhiều cháu, buổi trưa cũng không được ngủ vì phải quản vài cháu tăng động, đến 9 giờ tối mới được nghỉ ngơi. Nhưng tôi không hề trách các cháu vì chúng thực sự đáng thương.
>> 'Học sinh Việt không cần dùng điện thoại trong lớp'
Thông thường, với những đứa trẻ này, tôi chỉ cần đưa cho chiếc điện thoại thông minh là tụi nhỏ sẽ ngồi yên cả ngày luôn. Tuy vậy, các thầy cô chúng tôi không thể làm như vậy được, dù biết rằng hàng ngày phải quản lý liên tục để các em này ngồi yên đúng là một công việc cực hình. Điều tôi muốn nói ở đây là số lượng các bé bị tự kỷ, tăng động đang ngày một nhiều và nguyên nhân là do đâu? Do các em bị bệnh lý hay do cách giáo dục không ổn như việc cho trẻ dùng thiết bị điện tử quá nhiều?
Trong thời gian ở trung tâm và qua thực tế cuộc sống, tôi thấy rất nhiều phụ huynh mải kiếm tiền để lo cho con, nên quẳng con cho người giúp việc, cho thiết bị điện tử. Ở trung tâm này, tôi hiểu rằng mong muốn con bình thường như những đứa trẻ khác, có cuộc sống hạnh phúc, còn lớn hơn cả mong ước chúng thành công. Tiếc rằng, nhiều bố mẹ ngoài kia lại không nghĩ như vậy, nên đã biến những đứa trẻ bình thường thành không bình thường chỉ vì quẳng chiếc điện thoại cho con mỗi ngày. Thật đáng buồn nhưng cũng thật đáng trách.
Từ lâu, người ta đã nhận thấy tác hại của việc trẻ em dùng thiết bị điện tử quá nhiều. Rất nhiều khuyến cáo và hành động cụ thể ở trong nước lẫn trên thế giới đã được thực hiện để ngăn chặn tình trạng này. Tháng 7/2023, UNESCO kêu gọi toàn cầu cấm học sinh dùng điện thoại ở trường, khi nhiều minh chứng cho thấy có mối liên hệ tiêu cực giữa việc lạm dụng thiết bị điện tử và kết quả học tập của học sinh. Ở nước ta dù chưa có quyết định từ các cấp chủ quản nhưng nhiều trường học đã cấm học sinh mang điện thoại, thiết bị thông minh đến trường.
Mong rằng quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học sẽ sớm được áp dụng trên phạm vi toàn quốc, để các em học sinh không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các thiết bị điện tử. Điều đó có thể có tác động tích cực đến gia đình, xã hội, mọi người sẽ cùng chung tay hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với điện thoại và các thiết bị điện tử từ sớm. Để thành công, chắc chắn sẽ cần thời gian dài, bởi vậy chúng ta hãy là những phụ huynh thông minh, hạn chế cho con em mình dùng thiết bị điện tử, và dành thời gian nhiều hơn cho các con để chúng phát triển bình thường.
- Bốn lý do không nên cho học sinh dùng điện thoại trong lớp
- Xóa sổ 'thầy đọc - trò chép' trước khi cho học sinh dùng điện thoại
- Học sinh dùng điện thoại trong lớp - tận dụng hay lợi dụng?
- Thế hệ 'cắm mặt' vào điện thoại
- Hai sinh viên ngồi cạnh nhau nhưng phải lên mạng xã hội nhắn tin
- Tôi không cho con dùng smartphone trước 18 tuổi