Có một thực tế ngày nay là sinh viên trung bình dành khoảng 4-6 tiếng mỗi ngày cho việc sử dụng mạng xã hội. Chiếc điện thoại di động được coi như "vật bất ly thân" đối với nhiều người trẻ.
Thời gian trôi qua rất nhanh nếu chúng ta không biết tận dụng, nhưng với nhiều bạn sinh viên công việc hàng ngày diễn ra như một cỗ máy. Việc đầu tiên khi các bạn thức dậy là lên mạng xem có gì "hot"? Trước khi đi ngủ, các bạn cũng phải kiểm tra xem còn sót tin nào trên mạng mà mình chưa xem không? Một ngày không được sử dụng mạng xã hội với không ít bạn như một sự "tra tấn đau đớn" về tinh thần.
Khi đến giảng đường, một số người bạn của tôi chỉ chú ý vào chiếc điện thoại, mặc dù có thể bỏ lỡ một phần kiến thức sẽ có trong đề thi kết thúc môn học. Thậm chí, khi đi học, có bạn chỉ cầm theo chiếc điện thoại thông minh, nhưng không phải để ghi chép bài hay tìm kiếm tài liệu phục vụ cho việc học tập, mà sử dụng với mục đích lướt web "cho đỡ chán" đến hết tiết.
Thời điểm trước, việc sử dụng mạng xã hội được coi như một phương tiện hữu ích giúp con người kết nối với nhau nhanh chóng và thu hẹp khoảng cách địa lý. Với những bạn sinh viên xa nhà, đây coi như phương thức liên lạc với người thân ở quê. Nhưng hiện nay, mạng xã hội càng phát triển lại đẩy con người xa nhau hơn và "lười giao tiếp hơn". Có những người bạn học chung với nhau nhưng có việc cần hỏi lại chỉ nhắn tin qua loa vài câu rồi thôi. Trong khi đó, thời gian dành cho mạng xã hội có thể lên đến cả giờ đồng hồ.
Bên cạnh đó, mạng xã hội hiện nay được coi như chiếc "nam châm" khiến mọi người bị hút vào một chỗ, để rồi cố gắng thoát ra cũng không được. Đặc biệt là những bạn sinh viên đang là nguồn lực tri thức trong tương lai, việc bị chú tâm quá mức vào mạng xã hội ảnh hưởng đến việc học sẽ gây nên một hệ lụy xấu đến bản thân.
Trước hết đó là kiến thức nền để thực hành nghề. Mặc dù hiện nay nhiều người có quan niệm " học lý thuyết trên trường là phụ, thực tập trải nghiệm nghề mới là chính". Nhưng thử hỏi nếu bản thân không được trang bị kiến thức nền trên lớp đủ tốt thì rất khó có được cơ hội thực tập nghề, trong khi bản thân cái gì cũng mới, cũng chưa từng gặp.
Nhiều bạn sinh viên mỗi khi có thời gian rảnh là lên mạng xã hội, bỏ ngoài tất cả mối quan hệ, hoạt động của bản thân. Thậm chí, nhiệm vụ chính là học tập để có kiến thức, các bạn cũng chẳng để tâm đến. Đôi khi cả kỳ học trên giảng đường không chú tâm nghe giảng hoặc ghi chép bài, đến gần giai đoạn thi cuối kỳ, các bạn mới bắt đầu "cuống cuồng" đi tìm tài liệu để ôn thi.
Kết quả cho thấy, không ít sinh viên khi ra trường không thể làm đúng với chuyên ngành của mình được đào tạo do bản thân bị có một lỗ hổng kiến thức quá lớn trong gian đi học. Trong xã hội hiện nay, để có được một công việc tốt, ngoài việc đảm bảo về các kiến thức chuyên ngành ra, sinh viên còn phải trang bị thêm các kỹ năng xã hội khác để thuận tiện cho việc ứng dụng công việc một cách thuận lợi.
Việc sử dụng mạng xã hội đúng là đem lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là cho các bạn trẻ. Nó như một thư viện trong thế giới số khi mà mọi người cần một nơi để tìm hiểu, mở rộng kiến thức. Nhưng nó sẽ gây hại khi người dùng không làm chủ được bản thân, để bị cuốn theo những câu chuyện không liên quan trên mạng xã hội.
Điều quan trọng là mỗi người cần dùng mạng xã hội một cách thông minh, đúng thời điểm, không quên tập trung vào những nhiệm vụ chính và thường xuyên liên lạc nhiều hơn với bạn bè, người thân trong gia đình. Hãy tận dụng mọi thời gian để trang bị thêm kiến thức và kỹ năng mới khi các bạn còn còn thời gian ở giảng đường.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Tôi nhấn block nhiều hơn like'
- Bắt trend vô bổ vì sợ mình 'tối cổ'
- Người đang hạnh phúc không cần chứng minh trên mạng xã hội
- 'Đánh hội đồng' hoa hậu
- Thấy mình ở 'dưới đáy xã hội' khi bạn bè flex
- 'Mượn cớ flex để khoe khoang đủ thứ'