Tôi không phủ định ý tưởng cho học sinh dùng điện thoại trong lớp là rất mới và sáng tạo trong việc áp dụng công nghệ vào dạy và học. Càng xuôi tai hơn khi nghe qua, quy định mới này có vẻ rất khớp với sự hội nhập, toàn cầu hóa của thời kỳ công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, việc khai thác bài giảng trên lớp, theo tôi, còn nhiều cách khác, chúng ta không nên "đua đòi", bắt chước dập khuôn theo một số quốc gia.
Tôi lấy ví dụ, ở Đan Mạch, họ có thể bán hàng trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Nhiều khu vực, người mua tự lấy hàng và tự trả tiền, không hề có người tính tiền. Vậy các nước khác kém phát triển hơn có bắt chước được không? Theo tôi, tùy điều kiện cụ thể của từng quốc gia mà chúng ta định hướng xây dựng và phát triển sao cho phù hợp. Và trong trường hợp cụ thể này của ngành giáo dục, việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học, dù là dưới sự quản lý của giáo viên, cũng chưa thật hợp lý, bởi:
Thứ nhất, chất lượng của học sinh của Việt Nam, nền kinh tế, cùng các điều kiện cơ sở vật chất khác trên cả nước chưa đồng đều. Còn nhiều nơi, học sinh có học lực yếu, sĩ số trong một lớp lại thường khá đông (45-48 học sinh, trừ trường chuyên vào khoảng 39 em hoặc ít hơn). Do đó, việc kiểm soát học sinh, hướng dẫn các em tự giác tra cứu kiến thức bằng điện thoại sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Chắc chắn sẽ xảy ra nhiều có nhiều tình huống tiêu cực như: học sinh quay và đăng tải video phản cảm trong lớp, người dạy và học luôn trong trạng thái trau chuốt hình thức để tránh bị "bóc phốt", trong khi nội dung và chất lượng giảng dạy thực tế vẫn không hơn là bao.
Thứ hai, hầu hết các trường hiện nay đều có máy chiếu và việc tổ chức dạy học hoàn toàn đáp ứng các dữ liệu kiến thức. Nhiều giáo viên thậm chí đã "sân khấu hóa" bục giảng, tổ chức hoạt động dạy học trên lớp một cách tích cực. Xét cho cùng, điều chúng ta cần là tất cả học sinh phải nắm bắt được các kiến thức cơ bản (cụ thể là tất cả học sinh đỗ tốt nghiệp đều có điểm trên 5). Từ đó, việc phát triển, nâng cao nội dung, tra cứu, tìm kiếm nguồn thông tin kiến thức là nhiệm vụ của giáo viên. Chính họ phải nắm được các kỹ năng này để giới thiệu tới học sinh trên cơ sở có máy tính để tìm kiếm và máy chiếu để trình bày (điều này cần có sự phối kết hợp của phụ huynh).
>> Xóa sổ 'thầy đọc - trò chép' trước khi cho học sinh dùng điện thoại
Thứ ba, tôi cho rằng, việc để học sinh tìm tòi, tra cứu thông tin trên điện thoại có thể khiến các em bị nhiễu loạn thông tin, tiết học không có trọng tâm, rời rạc. Đấy là chưa nói đến các em bị hạn chế cơ hội để hình thành, phát triển các kỹ năng khác dựa trên nội dung bài học vì mất thời gian sử dụng điện thoại tra cứu.
Thứ tư, rõ ràng, chúng ta đã tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT và các trường đại học thi riêng dựa trên quy định "nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại từ khuôn viên khu vực thi đến phòng thi". Do đó, việc học trên cơ sở sử dụng điện thoại sẽ tạo thói quen xấu, tạo sức ỳ cho học sinh trong một tiết học.
Mỗi ngày, mỗi người, mỗi lứa tuổi đều có những thời điểm không cưỡng lại được việc sử dụng mạng internet và chúng ta đã thấy những mặt trái của nó. Chúng ta từng thấy những hình ảnh xấu như buổi sum họp gia đình, họp lớp, các cuộc họp mà mỗi người một điện thoại. Đó là những thói quen không đặt đúng thời điểm, đôi khi còn gây nên chứng nghiện điện thoại.
Do vậy, tôi cho rằng, không nhất thiết cứ phải cho học sinh dùng điện thoại thì việc học mới tốt hơn. Cho dù có sự cho phép của giáo viên nhưng thật sự rất khó để quản lý điện thoại hàng chục em học sinh. Thậm chí, trái lại, điều này còn mang lại nhiều hệ lụy không đáng có như đã nêu trên. Chúng ta cần cân nhắc thiệt hơn thật thấu đáo trước khi áp dụng quy định này.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.