Hôm 28/5, ban tổ chức Boston Marathon thông báo giải chạy lần thứ 124 sẽ bị huỷ bỏ, và lần đầu tiên được thay thế bằng một sự kiện chạy online. Trước đó, Boston Marathon từng một lần thông báo lùi ngày chạy từ tháng 4 sang tháng 9/2020.
Như vậy, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng loạt giải chạy của những thành phố lớn như Paris, Berlin, Tokyo, Boston, London... đều phải thay đổi kế hoạch tổ chức, thậm chí huỷ bỏ. Ban tổ chức Boston Marathon gọi đây là "một quyết định khó khăn", còn với các VĐV, họ cũng liên tiếp phải vượt qua những khủng hoảng do nhiều giải đấu bị huỷ bỏ.
Theo CNN, Simon Crow không phải VĐV chuyên nghiệp, nhưng trong vòng ba tháng, anh đã ép bản thân bám theo bài tập chạy với cường độ sáu lần mỗi tuần, với quãng đường gần 100km. Trong tâm thế hưng phấn, háo hức mong chờ, Crow mong lập sẽ thành tích cá nhân tại Paris Marathon - dự kiến diễn ra hôm 5/4/2020.
"12 tuần tập luyện để chinh phục cự ly marathon thế là đổ sông đổ bể", Crown nói khi biết giải chạy anh đặt mục tiêu bị dời lịch, sang 18/10. Crown chỉ là một trong hàng trăm nghìn VĐV phải chịu thất vọng sau rất nhiều nỗ lực tập luyện, chuẩn bị.
Hugh Brasher, Giám đốc Sự kiện của London Marathon, nói: "Thế giới đang đi qua một giai đoạn chưa từng có, vật lộn với đại dịch toàn cầu, và sức khoẻ cộng đồng giờ là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi biết việc hoãn giải sẽ khiến nhiều VĐV thất vọng, nhất là với những người đã tập luyện trong nhiều tháng".
Đa số VĐV thấu hiểu quyết định hoãn giải chạy của các nhà tổ chức, nhưng cảm giác thất vọng là không tránh khỏi. Dù chạy marathon đang dần trở nên dễ dàng hơn với số đông, các VĐV vẫn cần nhiều tháng, thậm chí nhiều năm cố gắng tập luyện, nếu muốn lập kỳ tích của bản thân trên đường chạy.
Todd Prescott từng lên kế hoạch dự Boston Marathon vào tháng 4/2020. Đây là giải thứ sáu và cũng là giải cuối cùng trong chuỗi World Marathon Majors - sáu giải chạy bộ danh giá nhất thế giới gồm Tokyo, Boston, London, Berlin, Chicago và New York - mà anh muốn chinh phục. Việc hoàn thành cả sáu majors được xem là thành tích rất đáng ngưỡng mộ, bởi không dễ dàng để có một suất tham dự trong bối cảnh các điều kiện tham gia ngày càng ngặt nghèo. Theo World Marathon Majors, hiện chỉ có 6.401 runner từng tham gia đủ cả sáu giải đấu.
Sau Boston, Prescott – một phi công làm thời vụ tại London – còn định dự Edinburgh Marathon vào tháng 5. Và sự kiện này cũng bị hoãn. Dù vậy, Prescott nói anh thông cảm khi ban tổ chức các giải này phải quyết định vì lợi ích cộng đồng. "Tôi rất thất vọng, nhưng cũng không ngạc nhiên. May mắn là các giải không bị huỷ bỏ hoàn toàn, mà chỉ hoãn lại, vì vậy, tôi sẽ phải tập luyện trở lại cho tới ngày đua mới và xem đây là nền tảng để cải thiện thành tích hơn nữa", Prescott nói.
Không chỉ các VĐV không chuyên có thái độ tích cực trước những khó khăn, ngay cả kỷ lục gia chạy marathon thế giới Eliud Kipchoge cũng cùng suy nghĩ. Anh viết trên Instagram: "Hàng nghìn VĐV đã cùng tôi dành nhiều tháng tập luyện cho mục tiêu này. Tôi muốn nói rằng, các bạn hãy tự hào về những gì bạn đặt vào hành trình này, hãy luôn mỉm cười và tìm kiếm mục tiêu tiếp theo".
Kipchoge cũng có kế hoạch dự London Marathon 2020 và dự định đua tranh cùng chân chạy Ethiopia - Kenenisa Bekele. Thành tích cá nhân tốt nhất của Kenenisa Bekele chỉ kém kỷ lục thế giới của Kipchoge vẻn vẹn hai giây, và cả hai nỗ lực rất nhiều cho cuộc đua tranh ở London. "Tôi mong sớm được cùng các bạn đứng ở vạch xuất phát", kỷ lục gia Kipchoge nhấn mạnh.
Khó khăn về tài chính
Không chỉ những nỗ lực tập luyện "đổ sông đổ bể", vấn đề tài chính cũng khiến nhiều runner đau đầu. Simon Crow cùng bạn gái đều đăng ký chạy Paris Marathon 2020, và không thể điều chỉnh theo lịch mới. Nhưng các nhà tổ chức không cho VĐV chuyển đăng ký sang năm sau, và cũng không hoàn phí đăng ký 135 USD. Vì thế, số tiền Simon Crow chi cho cuộc đua, tiền di chuyển, khách sạn của hai người cùng hai con trai - vốn định đến để cổ vũ - đều bị "bốc hơi".
"Có những rủi ro cao khi tham gia chạy marathon, như bạn có thể bị chấn thương bất cứ lúc nào, lãng phí rất nhiều giờ tập luyện và cả khía cạnh tài chính nữa", Crow nói. Paris Marathon 2020 là giải chạy thứ 10 của Simon.
Crow nói anh không tiếc công tập luyện nhiều, bởi anh còn một giải chạy marathon khác vào mùa thu, và cũng đã đăng ký New York tháng 11. Nhưng runner này thừa nhận chán nản vì lỡ kỳ vọng cải thiện thành tích ở Paris. Anh vốn đặt mục tiêu chạy marathon sub3 tại giải này, thành tích vừa đủ để anh đăng ký dự London Marathon 2021 ở hạng mục "Good for Age".
Việc chạy marathon ngày càng trở nên phố biến những năm gần đây, và vì thế, khâu sàng lọc, tuyển chọn VĐV dự các giải majors ngày càng khó khăn. Gần nửa triệu runner đã nộp đơn xin quay số may mắn để chạy London Marathon năm nay, khiến cho tỷ lệ được chạy ngày càng thấp. Một lựa chọn khác là chạy cho một tổ chức từ thiện, đòi hỏi VĐV phải gây quỹ hàng nghìn USD - điều không phải ai cũng làm được. Vì thế, đăng ký với thành tích tốt ở một giải chạy khác là lựa chọn an toàn.
Giống Crow, Karina Voggel cũng hy vọng đạt thành tích tốt tại Paris Marathon. Cô tự lên giáo án và tập theo nghiêm ngặt suốt ba tháng qua - khoảng 64km chia làm năm lần chạy mỗi tuần. "Tôi đều chạy vào các buổi sáng sớm và phải hy sinh nhiều thói quen, sở thích để có thể nuốt trọn giáo án. Tôi còn chẳng dám ra ngoài chè chén như bạn bè vào tối thứ Sáu hàng tuần, bởi sáng hôm sau, tôi có cữ chạy 30km lúc 8h", nhà thiên văn học này kể.
Voggel hy sinh như vậy nhằm đạt mục tiêu sub 3h30 tại Paris. Đó là thông số mà cô tin là đủ để kiếm suất chạy Boston Marathon 2021. "Tất nhiên, tôi buồn", chân chạy nghiệp dư không nén tiếng thở dài khi kể với CNN. "Đạt sub 3h30 là mục tiêu mà tôi theo đuổi, tập luyện suốt từ tháng 11... nhưng biết làm sao được. Suy cho cùng sức khoẻ của những người dễ bị tổn thương cần được bảo vệ, nên tôi cũng có thể bỏ giải chạy mình mong đợi vì điều đó".
Anh Vũ (theo CNN)