Năm 2019, Tommy Hughes khiến làng chạy bộ thế giới chú ý với thành tích full marathon (42,195 kilomet) ấn tượng. Tại Rotterdam Marathon, Hà Lan, tổ chức ngày 7/4, chân chạy sinh năm 1960 về đích với thời gian 2 giờ 30 phút 15 giây. Tới ngày 27/10, tại Frankfurt Marathon, Đức, Hughes thậm chí chỉ cần 2 giờ 27 phút 52 giây để hoàn thành phần thi.
Vào đêm cùng ngày hoàn thành Rotterdam Marathon, Hughes nhận hàng loạt lời chúc mừng. Với 2 giờ 30 phút 15 giây, ông khi đó phá sâu kỷ lục chạy marathon của nhóm tuổi 59 do Yoshihisa Hosaka thiết lập, 2 giờ 34 phút 23 giây.
"Tôi thực sự không biết mình lập kỷ lục", Hughes trả lời Belfast Telegraph. "Tôi biết có một kỷ lục trong nhóm tuổi trên 55 nhưng tôi chưa kiểm tra từng độ tuổi. Có người nhắn rằng tôi đã phá kỷ lục thế giới. Tôi lập tức hỏi tại sao anh ấy biết tin. Đó là một phần thưởng với tôi".
Đã "bỏ túi" danh hiệu người Ireland trên 50 tuổi chạy bán marathon (21,1 kilomet) và 10 kilomet nhanh nhất, Hughes đến Rotterdam Marathon với mục tiêu trở thành người Ireland trên 55 tuổi chạy marathon nhanh nhất. "Tôi đã thử và thất bại hồi tháng 12/2018, chậm hơn 51 giây so với kỷ lục 2 giờ 37 phút 42 giây của Cathal O’Connell tại Dublin Marathon 2018. Do đó, tôi quyết tâm làm lại ở London hoặc Rotterdam bởi nhiều kỷ lục thế giới đã bị phá tại đây trong những năm 1980".
Hughes tin chắc ông lập kỷ lục khi hoàn thành nửa quãng đường trong 1 giờ 14 phút, đặt kỳ vọng về đích dưới 2 giờ 30 phút. "Tôi nghĩ mình có thể phá kỷ lục của nhóm tuổi 60 nếu duy trì phong độ tốt".
Hughes trước đó hai lần chạy marathon dưới 2 giờ 30 phút khi đã ngoài 50 tuổi, trong vòng ba tuần, tại London Marathon 2012 (2 giờ 29 phút 55 giây) và Belfast Marathon 2012 (2 giờ 29 phút 43 giây).
Tuy nhiên, phải đến Frankfurt Marathon, ngày 27/10/2019, chân chạy Bắc Ireland mới lập cú đúp kỷ lục cá nhân và độ tuổi, với 2 giờ 27 phút 52 giây. Niềm vui còn nhân đôi với Hughes khi con trai, Eoin Hughes, về đích trong 2 giờ 31 phút 30 giây. Hai người trở thành cặp cha con chạy marathon nhanh nhất thế giới, tổng thời gian 4 giờ 59 phút 22 giây, nhanh hơn 2 phút 50 giây so với kỷ lục do cha con Graham và Ben Green thiết lập năm 2015.
"Tôi tròn 35 tuổi vào tháng 1/2020 và cha tôi sẽ phá tất cả kỷ lục thế giới của nhóm tuổi 60", Eoin trả lời Running Magazine.
Cha con nhà Hughes từng thử lập kỷ lục thế giới cự ly bán marathon (21,1 kilomet) tại Belfast Half Marathon ngày 22/9/2019. Nhưng họ bất thành lần đó, dù Eoin về nhì, chỉ chậm 20 giây so với tổng thời gian đặt ra là 2 giờ 20 phút 33 giây.
Mark Armstrong, cây viết của tờ Eastern Daily Press, bình luận Tommy Hughes nên được nhắc đến cùng với Eliud Kipchoge bởi ông là người đầu tiên chạy marathon dưới 2 giờ 30 phút ở tuổi 59. Kipchoge, người Kenya, đang giữ kỷ lục chạy marathon thế giới (2 giờ 1 phút 39 giây) và là người đầu tiên trên thế giới vượt rào cản 2 giờ trong một sự kiện ở Áo năm 2019.
Tommy Hughes bắt đầu chạy bộ năm 1981, với mục tiêu ban đầu là tăng cơ hội lên đội một tại CLB bóng đá Gaelic địa phương, đồng thời tranh thủ giảm cân. Hughes rút cuộc không được lên đội một, nhưng nhận ra bản thân có duyên với chạy bộ. Ông quyết định tập luyện và tham gia giải Belfast Marathon năm 1982, về đích trong 3 giờ 1 phút 26 giây. Kết quả này thôi thúc Hughes muốn biết ông có thể chạy nhanh đến mức nào.
Năm 1983, Hughes cải thiện thành tích đáng kể, chỉ còn 2 giờ 35 phút, rồi về nhất Derry Marathon, Anh, năm 1984 trong 2 giờ 24 phút. Ông phá rào cản 2 giờ 20 phút lần đầu tiên khi bảo vệ danh hiệu vô địch Derry Marathon năm 1985. Giải chạy này dừng tổ chức 28 năm trước khi trở lại vào năm 2013. Hughes một lần nữa bảo vệ thành công danh hiệu ở tuổi 53, với kết quả 2 giờ 30 phút 32 giây.
Năm 1988, Hughes thi đấu lần đầu tiên tại nước ngoài ở giải Marrakech Marathon, Morroco, và chiến thắng với kết quả 2 giờ 15 phút 48 giây. Ông cũng vô địch giải Belfast Marathon và Melbourne Marathon sau đó.
Theo Neil Featherby, người sáng lập Sportlink - đơn vị chuyên tư vấn cho người chạy bộ, Hughes tích lũy hơn 160 kilomet mỗi tuần. "Bản tính của ông ấy đã và luôn như vậy. Khi phải làm gì đó, cách duy nhất để thực hiện là dốc hết sức mình", Featherby viết. Chính điều này giúp Hughes ngày càng bền bỉ, dẻo dai.
Các giải chạy xuất hiện ngày càng dày đặc hơn. Hughes cải thiện thành tích xuống 2 giờ 14 phút 46 giây tại Dublin Marathon năm 1991, nhưng vẫn không đủ chuẩn dự Thế vận hội Olympic 1992 ở Barcelona, Tây Ban Nha. Tháng 1/1992, ông về nhì Marrakech Marathon với thời gian 2 giờ 13 phút 59 giây, vừa đủ để ông có một suất trong đội tuyển điền kinh quốc gia Ireland thi đấu Olympic.
Tuy nhiên, vận rủi vẫn tiếp tục đeo bám Hughes. Ông tiếp tục tăng cự ly tích lũy và bị rạn xương. Một số bác sĩ nói ông sẽ bỏ lỡ Olympic, nhưng vận động viên này vẫn quyết tâm đứng trên vạch xuất phát ở Barcelona. Chân chạy đến từ Maghera về đích thứ 72, thành tích 2 giờ 32 phút 55 giây.
Hughes bắt đầu có thay đổi lớn từ sau Olympic 1992, theo Featherby. Trở về từ Barcelona, cuộc sống nhàm chán khiến ông tìm đến rượu và thuốc lá, nhưng vẫn kịp tìm lại chính mình và một lần nữa vô địch Belfast Marathon ở tuổi 38. Hughes dần có những khoảng thời gian dài không vận động, thiếu động lực và chỉ về thứ 6 tại Belfast Marathon năm 2008.
Hughes vô địch Nottingham Marathon tổ chức tháng 9/2010 với thời gian 2 giờ 29 phút 13 giây. Một tháng sau, ông hoàn thành Peterborough Half Marathon trong 1 giờ 10 phút 31 giây. Năm 2011, Hughes chuyển tới Leicester trong 3 năm và tập luyện nghiêm túc tại CLB điền kinh Leicester Coritanians, thu về nhiều kết quả ấn tượng. Nhưng một lần nữa, Hughes lại xuống dốc, tìm đến rượu, có lúc uống một chai vodka một ngày.
Vợ Hughes ép ông phải đi khám bác sĩ và phát hiện tuyến giáp có vấn đề, sản xuất quá nhiều hormone tuyến cận giáp khiến nồng độ canxi trong máu tăng, mật độ xương giảm, dẫn đến suy yếu. Hughes buộc phải lựa chọn uống thuốc suốt đời hoặc phẫu thuật loại bỏ tuyến giáp. Không đắn đo, ông quyết định thực hiện phẫu thuật vào cuối năm 2018.
Hai tháng sau khi phẫu thuật thành công, Hughes trở lại đường chạy tại Malaga Half Marathon, Tây Ban Nha, và giúp đội Irish Masters giành huy chương đồng.
Bước sang tuổi 59 hồi tháng 1/2019, Hughes vẫn tập luyện với cự ly tích lũy mỗi tuần là hơn 190 kilomet (120 dặm). Featherby tin chắc Hughes sẽ viết lại sách kỷ lục khi ông chạy đua ở nhóm tuổi từ 60 trở lên. "Tôi hỏi liệu Hughes có thoải mái nếu tôi kể lại toàn bộ chuyện cá nhân hay không, ông ấy trả lời đơn giản rằng ‘tất nhiên là có, nếu câu chuyện của tôi có thể giúp được dù chỉ một người, vậy là đủ’".
Khi được Fast Running hỏi về bí quyết thành công, Hughes nói: "Tôi luôn chạy để cảm nhận. Tôi không đeo đồng hồ khi chạy và luôn lắng nghe cơ thể". Ông chỉ tập vài bài sit-up (gập bụng tiêu chuẩn) và press-up (chống đẩy), ít khi giãn cơ. Chân chạy kỳ cựu kể thêm: "Tôi chủ yếu chạy ở mức 75% nỗ lực, và luôn đảm bảo cơ thể phục hồi đủ trước bài chạy khó tiếp theo".
Hughes cho rằng nhiều người chạy bộ, đặc biệt là người mới tham gia môn thể thao này, thường khiến cơ thể mệt nhọc quá thường xuyên. Ông có HLV hướng dẫn trong một giai đoạn ngắn, nhưng chủ yếu chân chạy sinh năm 1960 tự tập.
Chia sẻ với Life Time Running hồi tháng 4, Hughes cho biết gần đây ông chạy 5 kilomet trong 16 phút 13 giây, 10 kilomet trong 32 phút 53 giây, 10 dặm (16 kilomet) trong 54 phút 46 giây, bán marathon trong 1 giờ 11 phút 57 giây và marathon trong 2 giờ 27 phút 52 giây. Tất cả đều là kỷ lục thế giới của lứa tuổi 59.
"Cân nặng của tôi không thay đổi nhiều trong khi tập luyện và thi đấu. Tôi ăn uống cân bằng và thường uống nước ép củ cải đường. Tôi không dùng viên uống bổ sung".
Hughes cũng có phương châm riêng dành cho chạy bộ và cuộc sống: "Hãy nỗ lực hết sức và luôn tận hưởng chạy bộ. Tham gia các cuộc đua là điều tuyệt vời, được gặp nhiều người chung đam mê. Chạy giúp tôi vững vàng và tạo cảm giác hạnh phúc. Chạy cứu rỗi cuộc đời tôi khỏi đồ uống có cồn. Chạy sẽ dạy bạn một điều, bất kể bạn cùng đường thế nào, luôn luôn có một lối thoát".
Tommy Hughes và những con số đặc biệt
|
Như Tâm tổng hợp