Nhiều độc giả quan tâm đến ngành phim ảnh sau bài viết 'Kịch bản - gót chân Achilles của phim Việt'.
Độc giả Justaman chỉ ra những "hạt sạn":
Đã lâu rồi tôi không xem phim Việt mặc dù rất muốn ủng hộ điện ảnh nước nhà, nguyên nhân vì:
1/ Thông điệp, giá trị nhân văn của phim rất không rõ ràng hoặc không có.
2/ Rập khuôn các tình huống hài quen thuộc đến nỗi nhạt nhẽo.
3/ Kịch bản hời hợt, diễn viên nói quá nhiều thay vì hành động.
4/ Kết thúc lúc nào cũng là một đoạn hội thoại cảm động ướt át lấy nước mắt khán giả.
Tôi nghĩ để làm cho phim Việt phát triển thì khán giả chúng ta phải kiên quyết nói không với những tác phẩm hời hợt, từ đó nhà sản xuất mới lắng nghe và thay đổi được thôi.
Nhấn mạnh thêm điểm yếu của phim Việt là kịch bản kém, độc giả Lực Tuệ phân tích:
Phim kém tôi nghĩ vấn đề nằm ở người viết kịch bản. Khi không đào tạo được đội ngũ viết kịch bản tốt, giỏi thì không thể có kịch bản tốt. Người viết kịch bản tốt phải là người có trí tưởng tượng vô cùng phong phú và logic.
Tại sao phim Mỹ và Trung Quốc thường có kịch bản tốt? Vì ở đó có những người viết kịch bản rất chuyên nghiệp và giỏi. Sở dĩ cách viết lách của họ khá như vậy là vì họ có tưu duy, có trí tưởng tượng. Hai quốc gia đó có rất nhiều tác phẩm, thể loại kinh điển như tu tiên, marvel, tiên hiệp, ma quái... nó được lấy cảm hứng chính từ những nhà tư tưởng, triết học rất lỗi lạc và đi vào huyền thoại như Khổng Tử, Trang Tử, Lão Tử... và các triết gia, nhân vật tôn giáo...
Vấn đề của người viết kịch bản lại nằm ở vấn đề của hệ thống tư tưởng bản sắc riêng của mỗi dân tộc và khả năng kiếm tiền để sống bằng nghề của người viết kịch bản. Ở Việt Nam, tôi thấy những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh rất có chiều sâu, vì bác ấy sống được với nghề, có tư tưởng.
Đồng quan điểm, độc giả Chu Ngân bổ sung: "Những tay" biên kịch ở nước ngoài nhất là Âu Mỹ họ là nhà khoa học, nhà văn, nhà sử học... nên kiến thức của họ rất đa dạng. Còn mấy nhà biên kịch Việt thì tôi không rõ".
Độc giả Hoàng Dũng bàn luận thêm:
Với cách dạy văn và kiểm tra văn như hiện tại thì sẽ khó mà có được những kịch bản hay, những tác phẩm văn học với drama nổi tiếng thế giới.
Dạy văn thì bình luận từng câu từng chữ theo ý mà chính tác giả cũng không nghĩ tới. Kiểm tra môn làm văn thì suốt ngày bắt học sinh bình luận truyện của người khác mà không phải là viết truyện của chính mình, mà lại còn không được bình luận theo ý của mình, phải bình luận theo ý của các nhà phê bình văn học, theo ý của giáo viên.
Đúng ra môn làm văn phải dạy học sinh cách sáng tác, dạy học sinh viết lên câu truyện của chính mình. Và cũng không thể gói gọn trong 45 hay 90 mươi phút được, việc sáng tác cần phải kéo dài trong cả học kỳ, cả năm học. Các giờ học sẽ là lúc giáo viên góp ý, chỉnh sửa để đến cuối kì mỗi học sinh sẽ có được tác phẩm truyện của mình.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.