Nhiều độc giả chỉ ra lời thoại nhân vật của nhiều bộ phim Việt thiếu thực tế:
Lời thoại của mấy tay giang hồ mà nói như kiểu mấy tay nhà văn hay giáo sư... thấy nản. Mấy ông viết kịch bản làm ơn viết phim về giang hồ, xã hội đen thì đừng có viết kiểu tiểu thuyết.
Còn mấy ông diễn viên thì làm ơn đừng bê nguyên xi câu thoại trong kịch bản vào, chịu khó đặt mình vào vai thằng giang hồ... chữ nghĩa không có mà diễn toàn nói kiểu hay chữ: "Mình dùng kế điệu hổ ly sơn... dụ rắn ra khỏi hang..." . Diễn chỉ cần nói "để dụ nó ra xử nó" là xong. Vai giang hồ thì cứ phải thêm mấy cái thẹo vào mới được, mà làm thẹo thì ẩu tả... chán. Giang hồ giờ nhìn sạch sẽ và lịch sự lắm à.
Độc giả phu.casablanca99 nói nhiều vai phụ, các cậu bé, hay ông bà già bán vé số, đánh giày...mà lời thoại như một người ăn học đường hoàng nho giáo ví dụ: Anh ơi, có thể mua cho em tờ vé số...
Đồng quan điểm, độc giả kanon cho rằng ở ngoài đời, đứa trẻ đó sẽ nói "Anh ơi, mua giùm em tờ vé số đi anh..." chứ không phải "có thể mua giùm em...", nghe hết sức gượng gạo và văn vở.
Một số độc giả chỉ ra, sở dĩ phim ảnh Việt xuống dốc vì đội ngũ kế thừa làm nghề hời hợt và không được đào tạo bài bản:
Bây giờ các bạn trẻ hay tìm lại những phim cũ để xem, mà họ vẫn khen hay (thông qua lượt tương tác, bình luận) thì chứng tỏ điện ảnh quá xuống dốc.
Kinh tế phát triển dẫn đến đạo cụ làm phim rẻ dần. Những người hoàn toàn không có chuyên môn phim ảnh tự tạo ra những bộ phim rồi thuê những người có ngoại hình đẹp (như ca sĩ, người mẫu) chứ không hề có chuyên môn. Dẫn đến nhiều bộ phim rất tệ cả về nội dung lẫn diễn xuất.
Không phải tôi thiên vị nhưng bây giờ xem phim cũ và phim 2019 thì chắc chắn tôi chọn phim cũ. Phim cũ ít ra còn được làm bởi thế hệ đạo diễn đi học Liên Xô, thế hệ diễn viên sống chết với nghề, trải qua nhiều năm mới lên vai chính, không phải vơ đại một ai đó vào làm phim.
Nhưng cũng phải trách cả khán giả, quá dễ dãi dẫn đến phim ăn xôi mà cũng thi nhau đi xem, trực tiếp tạo ra môi trường sống cho phim dở.
Những phim Việt trước đây đều do các đạo diễn, diễn viên được đào tạo bài bản xây dựng nên, vì vậy nhiều bản phim được coi là "kinh điển" của điện ảnh một thời. Từ ngày xã hội hóa điện ảnh, mọi người cùng nhảy vào làm phim "tay ngang".
Từ những người mẫu, diễn viên kịch hài, ca sĩ phòng trà đến những hotgirl, hotboy... được "trưng dụng" ngay tắp lự biến thành các "minh tinh" màn bạc mà không cần qua một lớp đào tạo chính quy nào... khiến cho phim Việt (kiểu mỳ ăn liền) xơ cứng, khô khốc như vậy, chứ thật ra, phim Việt chính thống rất hay.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.