Đã lâu lắm rồi tôi không đến rạp để xem phim Việt. Trước đó phim Việt, phim Tây hay phim Tàu tôi đều xem được. Nhưng đến khi xem một phim được cho là phim kinh dị, được quay ở Đà Lạt thì tôi nhận thấy mình không thể dễ dãi mãi được.
Cho đến tuần trước, tôi phải chiều lòng nhóm bạn:tôi đi xem một phim đang chiếu trên rạp. Bạn tôi bảo anh ấy là người đơn giản, đừng bắt xem phim Tây, hãy xem phim Việt để giải trí và có tiếng cười.
Bộ phim tôi và các bạn xem là phim về võ thuật. Đồng ý rằng kĩ xảo và cảnh đánh nhau có khá hơn những phim trước. Nhưng câu chuyện mà nhà làm phim muốn kể cho khán giả xem rất qua loa, tình tiết trong phim được đẩy đi với tốc độ nhanh. Phim thể hiện thông điệp rất mơ hồ: Những cảnh quay đầu tiên, người xem sẽ nghĩ nhân vật chính sẽ phấn đấu để vực dậy một phái võ đang có nguy cơ thất truyền. Chỉ sau vài phút phim, câu chuyện xảy ra theo chiều hướng khác. Trước đó tôi nghe đến hai từ đại chiến, cứ nghĩ là nhân vật chính sẽ rèn công luyện võ ngày đêm khổ cực, đổ mồ hôi, sôi con mắt. Ai ngờ chỉ sau vài phân cảnh, anh ta từ người kém thành người giỏi võ, lại còn đi thi đấu với một người có nhiều kinh nghiệm hơn mình. Trong khi đó, câu chuyện tình yêu nam nữ lại được nhét vào quá nhiều.
Thế là tôi và nhóm bạn không cười vì nó không hài, ngược lại còn bị trơ cảm xúc. Nếu như căn cứ vào quyết định xem phim Việt cho dễ hiểu và hài, thì tôi tự hỏi không biết từ bao giờ, phim Việt chiếu rạp thường đi liền với "hài" để câu khách. Có phải trong một thời gian dài, nhà sản xuất làm mọi cách để có yếu tố hài hước: nhân vật là diễn viên hài có nhiều fan, thêm thắt một nhân vật giả gái, cố gắng đẩy mọi chi tiết trong phim đến mức lố để tạo ra tiếng cười...đã vô tình định hình suy nghĩ đó trong đầu độc giả?
Nhìn lại thời gian gần đây, những phim thắng doanh thu và nội dung tương đối tốt, đều mua kịch bản từ nước ngoài, như Tiệc trăng máu chẳng hạn. Những phim này, đều có doanh thu cháy phòng vé và nhận được nhiều phản hồi tốt từ người xem. Có nghĩa là nhà sản xuất và diễn viên đã làm được những bộ phim tương đối chỉnh chu, diễn xuất không không đến nỗi tệ.
Một bộ phim khác, dù được quảng cáo và đặt tên dựa theo một tác phẩm văn học nổi tiếng. Nhưng đến khi đến rạp xem, câu chuyện lại diễn ra hoàn toàn khác với tác phẩm.
Những phim Việt chết yểu và doanh thu thảm hại gần đây hoàn toàn do kịch bản quá yếu. Thông điệp của bộ phim muốn gửi gắm đến khán giả mơ hồ hoặc không có giá trị. Rõ ràng kịch bản là "gót chân Achilles" của phim điện ảnh Việt.
Nếu có một cốt truyện hay, một biên kịch có tâm, một kịch bản có tầm, một đạo diễn chuyên nghiệp và khó tính thì sẽ không thể có một bộ phim dở được. Nhìn lại những bộ phim trong quá khứ, chúng ta có thể khẳng định điều này: Làng Vũ đại ngày ấy, Ván bài lật ngửa, Đất phương Nam, Ông cá hô...là những phim truyện ghi dấu ấn vào lòng khán giả.
Sách có câu: Hữu xạ tự nhiên hương. Phim hay thì khán giả tự tìm đến. Thay vì các đạo diễn khóc lóc, mất ngủ hoặc lo sợ phim ế, thì nên đầu tư, chú trọng vào kịch bản.
Khán giả bây giờ phần đông đều có trình độ hơn trước, gu thẩm mỹ cũng cao đáng kể vì tiếp xúc nhiều với phim ảnh nước ngoài. Tính cách cũng trở nên khó hơn xưa: Không dễ dãi xem một bộ phim quá nhàm chán. Vì thế, nếu đạo diễn đưa cho họ một bộ phim kém, thì chẳng việc gì họ phải tự tra tấn mình vài tiếng đồng hồ trong rạp để đổi lại cái gọi là "ủng hộ phim Việt".
Phan Vĩnh
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.