Ngay trong kỳ họp khai mạc vào 4/1, Quốc hội sẽ xem xét chủ trương đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025.
Theo tờ trình của Chính phủ, 12 dự án gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km); tổng chiều dài khoảng 729 km đi qua 12 tỉnh, thành phố.
Chính phủ đề xuất đầu tư toàn bộ 12 dự án theo hình thức đầu tư công. Sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 146.990 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị hơn 95.800 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 19.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc sẽ có quy mô cơ bản 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn 8 - 10 làn xe; đoạn Cần Thơ - Cà Mau 4 làn xe. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn khó khăn, để phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn, đảm bảo hiệu quả đầu tư, Chính phủ kiến nghị đầu tư giai đoạn đầu quy mô 4 làn xe (nền đường 17 m), công tác giải phóng mặt bằng sẽ tiến hành một lần theo quy mô 6 làn xe.
Về lộ trình thực hiện dự án, sau khi được Quốc hội thông qua, trong năm 2022 sẽ hoàn thành thiết kế kỹ thuật, dự toán và giải phóng mặt bằng để khởi công trong năm 2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), nhận định đường cao tốc là xương sống của hệ thống giao thông vì tốc độ cao, kết nối nhanh các trung tâm kinh tế - xã hội quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tư công toàn bộ 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 là cần thiết. Bởi đầu tư công giúp đẩy nhanh tiến độ nối thông toàn tuyến hơn so với đầu tư theo hình thức PPP.
Ông Trần Chủng lưu ý công tác giải phóng mặt bằng là thách thức lớn nhất về tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư dự án. Đường cao tốc có yêu cầu kỹ thuật rất phức tạp nên không thể thi công đứt đoạn, do vậy mặt bằng sạch ít nhất phải có hàng chục km liên tục chứ không được "lốm đốm 1-2 km".
Cùng với đó, chính sách giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư cũng phải thống nhất. "Thời gian qua, có những dự án địa qua địa bàn 2-3 tỉnh, mỗi địa phương làm một cách, thực tế hai nhà gần nhau nhưng giáp ranh tỉnh nhận hai mức đền bù khác nhau nên đã thành chuyện phức tạp" ông Chủng nói.
Cùng với đó, các địa phương phải tính toán chủ động nguồn vật liệu phục vụ công trường. Nếu địa phương không có kế hoạch quản lý, kiểm soát tốt các mỏ vật liệu sẽ rất khó khăn cho thi công, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện tuyến cao tốc Bắc Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km (11 dự án), còn lại 729 km (chia làm 12 dự án).
Sau nhiều năm nghiên cứu, báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ, và đang được Hội đồng thẩm định nhà nước xem xét.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong 10 năm tới Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, trong đó ưu tiên triển khai thác trước đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP HCM. Chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc từng được trình Quốc hội vào tháng 6/2010 song lúc đó không được thông qua. Như vậy, sau 10 năm, dự án đường sắt tốc độ cao đang được khởi động lại.
Lần này, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1.559 km, tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách; còn đường sắt Bắc Nam quốc gia hiện nay được cải tạo để chở hàng.
Tổng mức đầu tư dự án dự kiến trên 58 tỷ USD (tương đương 1,3 triệu tỷ đồng). Giai đoạn một (trước năm 2030) sẽ đầu tư hai đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang, tổng mức đầu tư khoảng 112.000 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn tính toán đoàn tàu khai thác tốc độ 320 km/giờ đi từ Hà Nội đến Vinh mất một giờ, trong khi di chuyển bằng đường hàng không bao gồm thời gian bay, kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ. Đường sắt đi trên chặng Hà Nội - Nha Trang là 4,2 giờ, tương đương đi máy bay khoảng 4,5 giờ; chặng Hà Nội - TP HCM là 5,5 giờ, dài hơn máy bay chỉ một giờ.
Giá vé tàu tốc độ cao 320 km/giờ được tính toán và giữ ở mức bằng khoảng 75% giá vé bình quân máy bay. Xét thêm về tính thuận tiện đi lại và tính đúng giờ, đường sắt tốc độ cao được cho sẽ hấp dẫn với hành khách.
"Trong nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Sau đó, Bộ sẽ lập báo cáo khả thi, duyệt thiết kế, giải phóng mặt bằng và khởi công một số gói thầu trong 2 đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay.
Theo lãnh đạo ngành Giao thông, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là tuyến quan trọng nhất vận chuyển hành khách trong giai đoạn tới. Địa phương có đường sắt đi qua có thể hình thành khu đô thị mới xung quanh ga mới, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Với góc nhìn chuyên gia, ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển, cho rằng những năm tới Việt Nam cùng lúc đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, do vậy tổng mức đầu tư mỗi dự án cần được tính toán kỹ để có hiệu quả tài chính.
"Suất đầu tư của nhiều dự án hạ tầng ở Việt Nam thời gian qua khá cao nếu so với nhiều nước trên thế giới", ông Đông nói, đơn cử dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với tổng mức đầu tư đang được nghiên cứu nêu trên là cao, khó thu hồi vốn sau này và nếu vay ODA thì tạo gánh nặng ngân sách về sau.
"Chính phủ cần thuê đơn vị tư vấn nước ngoài độc lập để lập báo cáo khả thi, sau đó đấu thầu quốc tế sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia", ông Đông đề xuất.