Dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM đưa ra hai phương án và cả hai đều không nhận được sự đồng thuận của quá bán số đại biểu quốc hội.
Tổng mức đầu tư dự án đường sắt cao tốc là 56 tỷ USD, bằng 50% GDP của Việt Nam hiện nay. Ảnh minh họa của gouldharrison.co.uk. |
Phương án một không đề cập cụ thể về việc đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc mà chỉ nêu, so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì cơ sở hạ tầng giao thông còn rất hạn chế về số lượng, thiếu đồng bộ và lạc hậu về công nghệ… Trong thời gian tới cần huy động đa dạng mọi nguồn lực của nhà nước và xã hội, trong và ngoài nước, bằng nhiều phương thức đầu tư để tăng đầu tư, cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng giao thông trong phạm vi cả nước cũng như trong từng vùng, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển đất nước nhanh và bền vững. Phương án này nhận được 42% đại biểu đồng ý, 38% không tán thành.
Phương án hai tán thành chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM với những bước đi cụ thể. Một là Quốc hội giao Chính phủ rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch giao thông tổng thể trong cả nước, quy hoạch hệ thống giao thông Bắc - Nam.
Hai là Quốc hội giao Chính phủ lập quy hoạch chi tiết; tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ và toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM, trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai đoạn tuyến Hà Nội - Vinh hoặc TP HCM - Nha Trang, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư một đoạn tuyến được chọn và thực hiện đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020 bằng nhiều nguồn vốn, đa dạng phương thức đầu tư.
Cuối cùng, từ kết quả đầu tư xây dựng đoạn tuyến được chọn, Quốc hội giao Chính phủ tiến hành đánh giá việc đầu tư, khai thác đoạn tuyến trên và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc triển khai đầu tư xây dựng các bước tiếp theo. Phương án hai được 37% đại biểu đồng ý và 41% không tán đồng.
Trước đó, Quốc hội đã gửi phiếu thăm dò ý kiến đại biểu về dự án này, kết quả có hơn một nửa (57%) đồng ý thông qua chủ trương ngay kỳ họp. Trao đổi với báo chí sau khi có kết quả thăm dò, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng nói: "Đường sắt cao tốc là dự án lớn, tổng vốn 56 tỷ USD chia cho 30 năm nên sẽ có nhiều rủi ro, khó khăn khi thực hiện. Tiềm lực kinh tế của quốc gia phải được cân nhắc. Do đó, sự đắn đo trong dư luận nhân dân và trong Quốc hội là hoàn toàn chính đáng".
Phiên thảo luận về dự án đường sắt cao tốc đã diễn ra rất căng thẳng. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết là người không ủng hộ dự án này. Ảnh: TTXVN. |
Siêu dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM với số vốn ước tính 56 tỷ USD đã gây tranh cãi trên cả diễn đàn Quốc hội và ngoài xã hội. Bên cạnh những ý kiến cho rằng cần thiết phải vay vốn đầu tư làm ngay thì nhiều ý phản đối cho rằng hiệu quả kinh tế của dự án quá thấp, số vốn quá lớn, chiếm phân nửa GDP của Việt Nam, sẽ tạo gánh nặng nợ nần cho hậu thế.
Trên diễn đàn Quốc hội, nữ đại biểu Sùng Thị Chư cho rằng: "Đầu tư đường sắt cao tốc là cần thiết, nhưng chưa phải cấp thiết trong thời điểm này". Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phản bác ý kiến cho rằng đường sắt cao tốc như một chàng trai đánh thức nàng tiên du lịch ở miền Trung rằng: "Tôi chắc mở mắt ra nàng tiên sẽ hỏi anh ơi, tiền ở đâu".
Ví von Việt Nam làm tàu cao tốc như gia đình ở nhà tranh vách đất muốn mua biệt thự thay vì tích tiền xây nhà ngói, bà Phạm Chi Lan cho rằng khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 3.000 USD thì mới nên làm đường sắt cao tốc. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thiết tha mong Quốc hội chưa thông qua dự án, vì: "Hiệu quả kinh tế thấp, khả năng thu hồi vốn thiếu tính thuyết phục trong khi nợ quốc gia của Việt Nam theo công bố của WB đã lên đến hơn 47,5%, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, bội chi ngân sách, nhập siêu đang là vấn đề bức xúc".
Sau gần một tháng thăm do ý kiến bạn đọc về dự án đường sắt cao tốc trên VnExpress, có tới hơn 70% đại biểu không đồng ý hoặc là nên để thời điểm khác đầu tư, số tán thành chỉ chiếm 26%. |
Việc bác một dự án do Chính phủ trình rất hiếm xảy ra trong lịch sử Quốc hội. Tại kỳ họp này, nhiều đại biểu rất băn khoăn về trách nhiệm của Quốc hội khóa 12, vì đã phải quyết định quá nhiều vấn đề hệ trọng, mang tính lịch sử, như: dự án bô xít Tây Nguyên, mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, dự án đường sắt cao tốc và cho ý kiến về đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Cũng chiều nay, sau khi thông qua nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và nghị quyết về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đọc diễn văn bế mạc kỳ họp.
Hồng Khánh