Chiều 1/11, tại hội nghị công bố Quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ sẽ xin ý kiến Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trong nhiệm kỳ 2021-2026. Sau đó, Bộ sẽ lập báo cáo khả thi, duyệt thiết kế, giải phóng mặt bằng, đến năm 2028-2029 sẽ khởi công một số gói thầu trong 2 đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang.
Bộ trưởng Thể nhấn mạnh, đường sắt Bắc Nam là tuyến quan trọng nhất vận chuyển hành khách và hàng hóa, trong đó có tuyến tốc độ cao trong giai đoạn tới. Địa phương có đường sắt đi qua có thể hình thành khu đô thị mới xung quanh ga mới nên cần đồng hành với Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh quy hoạch cục bộ để phát triển đô thị, khai thác đồng bộ với tuyến đường sắt tốc độ cao, hỗ trợ Bộ trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Sau khi có đường sắt tốc độ cao chở hành khách, tuyến đường sắt cũ khổ 1.000 mm hiện sẽ đảm nhiệm vận tải hàng hóa. Bộ Giao thông Vận tải đã lập quy hoạch nhiều tuyến đường sắt kết nối với cảng biển.
Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải - đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1.545 km, đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác lớn nhất đến 320 km/h. Giai đoạn một trước năm 2030 sẽ xây dựng hai đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang, tổng mức đầu tư khoảng 112.000 tỷ đồng.
Ngoài 7 tuyến hiện có dài khoảng 2.440 km thì mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030 có thêm 9 tuyến mới, tổng chiều dài 2.362 km. Tổng đầu tư đến năm 2030 cần 240.000 tỷ đồng, được huy động từ vốn đầu tư công, vay ODA, xã hội hóa theo hình thức PPP.
Đến năm 2050, quy hoạch xác định tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ hoàn thành cùng với các tuyến mới tại khu đầu mối Hà Nội, TP HCM, đường sắt kết nối cảng biển, khu công nghiệp, Tây Nguyên, đường ven biển, kết nối quốc tế. Mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050 gồm 25 tuyến, dài 6.354 km.
Trong 9 tuyến đường sắt mới được quy hoạch đến 2030, lớn nhất là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP HCM) dài 1.545 km.
Phía Bắc có 3 tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân từ ga Yên Viên Bắc đến ga Cái Lân dài 129 km; tuyến Hà Nội - Hải Phòng song song với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện, dài 102 km.
Vành đai phía Đông Hà Nội có tuyến đường sắt Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng dài 59 km; chuyển đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên, Gia Lâm - Lạc Đạo thành đường sắt đô thị.
Miền Trung có tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ từ cảng Vũng Áng đến biên giới Việt Nam - Lào (đèo Mụ Giạ) dài 103 km.
Phía Nam có 4 tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu dài 84 km; tuyến TP HCM - Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cái Răng dài 174 km; tuyến TP HCM - Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư) dài 128 km; tuyến Thủ Thiêm - Long Thành từ ga Thủ Thiêm đến sân bay quốc tế Long Thành chỉ phục vụ hành khách dài khoảng 38 km.