Cậu hàng xóm của tôi là kỹ sư xây dựng, làm cho một công ty tư nhân, lương tháng mỗi hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, mức lương đóng BHXH cậu ấy chỉ được áp dụng đúng bằng lương tối thiểu, gần 10 năm nay đi làm vẫn thế rồi, chỉ tăng khi chính sách cho tăng (bây giờ ở Hà Nội là 4,73 triệu).
Tuy nhiên, công ty có trụ sở ở Điện Biên, cậu ấy làm việc tại văn phòng đại diện tại Hà Nội nhưng công ty lại lấy mức lương tối thiểu vùng III (Điện Biên), mà đúng ra phải lấy mức lương tối thiểu vùng I của nội thành Hà Nội, đó là lách luật.
Tôi hỏi: Công ty đóng BHXH như thế thì sau này về hưu lương thấp lắm đấy? Cậu dường như không quan tâm mấy vì ngày đó còn xa và có lẽ cũng không thể thay đổi được quy định của công ty này.
Một kỹ sư làm việc ở vùng I ở Hà Nội, mức lương đóng BH là 4,42 triệu x 7% = 4,73 triệu (tăng 7% do được đào tạo nghề), chỉ tăng khi tăng lương tối thiểu vùng, thì tính thô khi về hưu lương hưu chỉ được 3,5 triệu đồng một tháng. Về già sống rất chật vật ở thành phố.
Ở trường hợp này, rõ ràng công ty chọn mức đóng bảo hiểm cho người lao động thấp nhất có thể. Dù còn lâu mới về hưu nhưng rõ ràng khi về hưu, nếu vẫn tiếp tục làm ở những công ty mà mức đóng bảo hiểm như thế, lương hưu của cậu ấy rất thấp, tôi nghĩ mà buồn.
Bản chất của việc đóng BHXH là khi đi làm bớt lại một chút tiền lương để sau này về hưu, không làm ra tiền nữa hoặc làm rất ít vẫn có lương duy trì cuộc sống cơ bản, được chăm sóc y tế, có thẻ bảo hiểm mà không phải đóng BHYT.
Lương hưu tuy không nhiều nhưng cũng đủ để trang trải nhu cầu cơ bản của người già, và quan trọng là luôn có hằng tháng đến cuối đời.
>> 'Lương hưu dăm đồng' - trẻ coi thường, già xem trọng
Trong suốt quá trình làm việc của tôi, khi đến nơi mới tôi bao giờ cũng quan tâm xem đơn vị đó đóng bảo hiểm ra sao, với mức nào. Tôi đã từ chối một đơn vị tư nhân khi họ chỉ đóng BHXH với mức tương đương mức lương tối thiểu vùng, thấp hơn nhiều so với lương họ dự định trả tôi hằng tháng.
Các công ty ngoài nhà nước (ngoại trừ doanh nghiệp vốn nước ngoài) thì chỉ đóng bảo hiểm với mức lương tối thiểu vùng chứ không đóng theo mức lương thực lĩnh để giảm tối đa chi phí, cho nên khi về hưu lương sẽ rất thấp.
Tuy nhiên, lương hưu dù thấp nhưng được lĩnh đều đặn hằng tháng cũng là nguồn thu nhập đáng kể khi về già. Có lẽ từ trung niên, mỗi người nên có tích lũy chuẩn bị khi về già, gửi tiết kiệm chẳng hạn để bù đắp vào lương hưu nữa thì mới tạm ổn.
Ngô Thái Bình
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.