Cuối năm 1998, thấy ba đã mất mà má thì đã ngấp nghé 70 tuổi, nên con trai út của bà Tư khuyên má nghỉ bán tàu hũ dạo, ở nhà lo chợ búa, cơm nước cho vợ anh sắp sinh con đầu lòng. Anh động viên: "Lương con giờ hơn 2 triệu, còn vợ con được 7-8 trăm nghìn, nên cũng đủ tiêu trong gia đình. Má già rồi, nghỉ ở nhà là phải". Cô con dâu nghe vậy cũng vui vẻ phụ họa với chồng.
Được sự nhất trí của cả 4 người con lớn, bà Tư nghỉ ở nhà trông cháu cho con trai út. Nhưng việc chăm sóc con dâu mới sinh đối với bà xem ra còn cực hơn bán hàng nhiều. Bởi bà chỉ bán hàng buổi sáng, buổi chiều được nghỉ, chứ chăm sóc người đẻ thì cả ngày. Công việc luôn chân luôn tay từ sáng sớm đến tối mịt. Hết 3 tháng kiêng cữ, cô con dâu vẫn không hề động tay chân vào việc gì, mọi việc vẫn phó thác cho má chồng. Thậm chí, có lần cô còn giận dỗi không ăn khiến chồng xót vợ, cằn nhằn mẹ.
Bà Tư vốn hiền lành, ít nói nay phải sống nhờ con nên ngày càng lặng lẽ như một cái bóng. Cho đến một buổi trưa, khi con dâu buộc bà phải ra chợ đổi đi đổi lại đến mấy lần cái xoong quấy bột vì không vừa ý thì bà Tư không chịu đựng nổi. Bà bỏ bữa cơm trưa và đến chiều thì bỏ nhà đi hẳn.
Để tuổi già được thanh thản
Khác hẳn bà Tư, bà Ba sống ở đường Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, bán căn nhà mặt tiền được 300 lượng vàng, cho 4 con mỗi người 50 lạng, còn lại bà mua cho mình căn hộ nhỏ kế bên nhà vợ chồng cô con gái út trị giá 20 lượng. Bà giải thích: "Làm như vậy để vừa được sống riêng biệt, tiện cho sinh hoạt thất thường của người già, vừa được sớm khuya cận kề con cháu". Còn lại 80 lượng vàng bà gửi vào ngân hàng nhà nước, hằng tháng rút tiền lãi tiêu pha cho bản thân và du lịch đó đây. Cháu chắt đứa nào học giỏi, ngoan, bà cũng có chút tiền để thưởng cho chúng vui. Bà nói với mọi người: "Không phải các con tôi không nuôi được mẹ nhưng con trai thì còn con dâu, con gái thì còn con rể... Lỡ chúng không tâm lý, nói gần nói xa, người già lại khó tính, hay để bụng, dễ sinh ra buồn lòng. Lo xa vậy càng tốt".
Theo sự phân tích của các chuyên gia tâm lý, lòng cha mẹ bao la, thấy con cái túng thiếu trong khi mình có chút tiền nên dễ dàng dốc hầu bao cho con. Gặp người con có hiếu thì không nói làm gì, gặp phải đứa không ra gì, chỉ biết nghe lời vợ, dễ xảy ra hiềm khích, phiền muộn vì đứa này tị nạnh đứa kia, quên mất công ơn sinh thành. Vì vậy, khi về già, các bậc cha mẹ cần phải có sự chuẩn bị nhất định về tài chính, dù ít dù nhiều và không nên giao hết của cải, tiền bạc cho con cháu bởi khi cần chi tiêu gì sẽ không chủ động được.
(Theo Phụ Nữ)