Ba tôi mất năm tôi chỉ mới 4 tuổi, em gái tôi chỉ vừa qua tuổi lên 2, anh trai tôi lên 7. Gia đình tôi lúc đó vô cùng bi đát, chỉ còn những khoản nợ lớn do quá trình chữa trị bệnh của ba tôi để lại, mẹ tôi trở nên điên cuồng và rơi vô những cơn trầm cảm triền miên, bà uống rượu, hút thuốc và khóc lóc cả ngày.
Ông nội tôi lúc đó đã có một quyết định đó là đưa hai chị em gái tôi vô cô nhi viện. Ông năm đó đã ngoài 70, không thể lo cho chị em tôi, ông bảo nếu vô đó ít nhất sẽ được ăn học tử tế, còn nếu ở nhà chỉ có con đường chết mà thôi.
Đến bây giờ tôi vẫn cho đó là một quyết định đúng đắn của ông, nhưng mà cái giá phải trả sao mà quá đắt. Hai chị em tôi được nuôi chung với nhóm những đứa trẻ khác, hầu hết đều mất cha mẹ, đứa thì cha mẹ bị lũ cuốn trôi, đứa thì cha chém mẹ xong tự tử... những đứa trẻ với tâm hồn non nớt đầy sứt sẹo.
>> Tôi bị thầy giáo phạt đứng trên tổ kiến vàng
Em gái tôi lúc đó chỉ mới hơn 2 tuổi, chưa thể kiểm soát được việc tiểu tiện của mình. Em ấy khóc la cả ngày, thời gian đầu thì tạm ổn, mẹ nuôi tôi vẫn kiên nhẫn dỗ dành và dạy dỗ từng đứa.
Tuy nhiên thời gian sau đó mới thật sự ám ảnh. Việc nuôi dạy những đứa trẻ nghịch ngợm không phải do mình đẻ ra quả thật quá sức đối với bà ấy, và những trận mưa roi bắt đầu giáng xuống, mỗi ngày mỗi nhiều hơn, độc ác hơn.
Tôi còn nhớ rất rõ có lần tôi làm vỡ cái đĩa, bà ấy đã xách cổ áo tôi lên kéo tôi xềnh xệch dưới nền đất muốn nghẹt thở và trút những trận mưa roi lên người. Tất cả chị em chúng tôi, làm gì đều phải để ý đến tâm trạng của bà ấy, bất cứ mọi lỗi lầm đều sẽ bị đánh đòn.
Bà ấy sắm một cây roi mây để sẵn và mỗi lần chúng tôi phạm lỗi lầm sẽ bắt chúng tôi lột đồ ra để trút lên người. Bà ấy không bao giờ đánh vô mặt hay tay, và luôn giấu diếm khéo léo việc bạo hành của mình.
Trong khi tôi là một đứa trẻ khá khôn ngoan nên luôn cố gắng không gây ra lỗi lầm gì thì em gái của tôi thì khác. Cô em gái ngốc nghếch của tôi được ông trời cho một sức khỏe tốt hầu như không đau ốm vặt thì bù lại chậm hiểu, em ấy thường xuyên phạm lỗi và bị đánh như cơm bữa. Bị đánh nhiều đến nỗi những thành viên trong nhà đều coi đó là việc đương nhiên.
Chính vì bị đánh nhiều nên em ấy trở nên rất tự ti, hung dữ với các bạn học và hầu như không có nổi một người bạn nào ngoài chị gái mình. Mẹ nuôi tôi bắt đầu ngày càng sáng tạo hơn trong cách trừng phạt chúng tôi, mỗi lần em gái tôi phạm lỗi bà sẽ đưa cây roi mây và bắt tôi đánh em ấy, nếu lực đánh không đủ mạnh bà ấy sẽ đánh tôi mạnh gấp đôi, và lúc đó tôi đã cứ vô thức chịu đòn cho em gái tôi như vậy.
Cho đến một ngày em gái tôi phạm một lỗi lầm rất lớn. Bà ấy gọi hai chị em tôi ra. Lần này bà ấy không đánh tôi, bà ấy chuẩn bị tận 5 cây roi, và từng trận cây roi rơi xuống người em gái tôi.
Nhưng đó lại là sự thật, bà ấy đánh gẫy cây thứ nhất, rồi qua cây thứ hai, thứ ba. Tôi lúc đó cảm thấy rất bất lực và chỉ biết đứng khóc nấc lên theo tiếng la thất thanh của em gái tôi.
>> Trẻ lớn lên trong đòn roi thường ngỗ ngược và thiếu vâng lời
Cho đến cây roi thứ tư tôi chợt tỉnh ra, tôi tung cửa chạy ra ngoài đường và ôm chặt lấy những đứa trẻ khác khóc nức nở. Lúc đó bà ấy mới dừng cơn điên của mình lại và bắt đầu lại giấu diếm nó khi có người hỏi bằng cách bảo em gái tôi là loại không thể dạy được. Sau lần đó em gái tôi được trao trả về nhà cho mẹ ruột tôi nuôi còn tôi vẫn ở lại tiếp tục việc học.
Trận roi ngày đó là một trong những vết thương in hằn lên trái tim tôi cho đến bây giờ, cô em gái ngốc nghếch của tôi thậm chí còn không biết việc đó ảnh hưởng như thế nào đến cuộc đời của mình. Chính bởi ký ức đau thương đó mà cho đến tận bây giờ, dù em gái tôi có gây ra lỗi lầm gì hay có vô tình làm tổn thương tôi thì tôi đều bỏ qua và tìm cách hóa giải, giúp đỡ em ấy. Còn bản thân tôi, ngoại trừ vết thương vừa kể ra thì còn vô vàn vết thương khác phải trả giá để được đánh đổi lấy con đường đi tìm sự thoát khổ và chữa lành sau này.
Có một điều đó là tuy lúc đó tôi còn nhỏ nhưng đã thấy có gì đó rất đau khổ trong con người mẹ nuôi tôi. Mỗi lần đánh chúng tôi xong, bà ngồi thẫn thờ với ánh mắt vô hồn, đôi lúc tôi thấy bà dường như có chút ân hận khi cố gắng mua cái này, cái kia cho chúng tôi ăn.
Sau này khi tìm hiểu tôi mới biết, bà sinh ra là chị cả trong gia đình 11 anh chị em. Bà bị bắt phải hy sinh cho các em trong những năm tháng tuổi trẻ, bà chưa từng nhận được yêu thương từ chính cha mẹ ruột mà chỉ là những trận mưa roi và chỉ trích, đòi hỏi. Nhận nuôi chúng tôi có lẽ là một quyết định quá sức ngoài sức tưởng tượng của bà.
Khi tôi viết bài viết này thì tôi đã tha thứ cho những người từng làm tổn thương tôi rồi, xin các bạn đọc đừng chỉ trích mà hãy nhìn nó như một vấn đề nhức nhối của xã hội để tự cảnh tỉnh mình và những người xung quanh.
Những người từng làm tổn thương tôi, mặc dù họ không bị luật pháp trừng trị nhưng hàng ngày, hàng giờ đều đang bị lương tâm giày vò và đối mặt với sự vận hành của luật nhân quả trong hầu hết những năm cuối đời.
>> Những vết bầm và sự vô tâm trong giáo dục
Nếu như bạn nào từng học qua các lớp học về tâm lý sẽ hiểu rằng, cha mẹ đau khổ sẽ vô thức nuôi dạy con đi theo con đường đau khổ của mình. Suy cho cùng bà ấy cũng chỉ là một nạn nhân. Mặc dù hiện tại tôi đã tha thứ cho bà ấy rồi nhưng vì những vết thương chưa được chữa lành, tôi vẫn chưa đủ can đảm để gặp lại bà ấy mặc dù biết bà ấy đau ốm liên miên, cô đơn với những vết thương của mình những năm tháng cuối đời.
MT
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.