Tôi đã nhìn bức ảnh cậu học sinh đang quỳ vì bị cô phạt mà dư luận rầm rộ mấy ngày gần đây, và chợt nhớ về trường cấp hai ngày xưa tôi theo học. Tôi nhớ về thầy giáo Nho với cây thước lim dài gần cả mét mỗi khi vào lớp, và dĩ nhiên tôi không bao giờ quên vụ bị thày phạt đứng trên tổ kiến vàng bu đầy chân nơi bục giảng. Thầy đứng đó cách đủ độ an toàn với tổ kiến, trên tay là chiếc thước gỗ lim luôn sẵn sàng vụt, đôi mắt thầy hình viên đạn găm về phía nơi tôi đang đứng...
Câu chuyện hoàn toàn thật, nhưng nó đã cách đây gần 30 năm về trước, chứ nếu là bây giờ thì chắc thầy đã "nổi" lắm.
>> Dễ bị kết tội bạo hành, sỉ nhục học sinh - làm giáo viên thật khổ
Xin được nhắc lại, đây là câu chuyện của gần 30 năm trước và nó hoàn toàn bình thường. Bình thường đến mức chỉ để trở thành một kỷ niệm thú vị trong đời học trò của tôi. Ngay cả lúc đó tôi cũng vẫn vừa đứng trên tổ kiến vừa cười cùng với cả lớp, hoàn toàn không hề bực hay thù oán gì thầy. Nhất là nếu như đem so sánh những trò nghịch ngầm của tôi đã dành cho thầy. Gần 30 năm, chắc có lẽ thầy cũng không còn nhớ, còn với tôi thì đó là một kỷ niệm rất đẹp đi theo tôi suốt những tháng năm.
Trở lại với bức ảnh trên, việc nó đưa các bạn đến với những suy nghĩ trái chiều phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm của mỗi cá nhân. Tôi đồ rằng, có thể ngay trong tầng lớp giáo viên cũng sẽ có các quan điểm nhìn nhận theo nhiều khía cạnh.
Riêng mình, tôi thấy sự việc cậu học sinh đang rùm beng kia là câu chuyện khá bình thường, nếu như chúng ta có cái nhìn xa hơn một chút. Tôi chỉ không đồng ý với cách dùng vũ lực hay những chiêu phạt quái đản gần đây mà nhiều giáo viên đã nghĩ ra và xuất hiện đầy rẫy trên mặt báo. Chuyện tát, đánh, vụt gãy thước vì học sinh mắc khuyết điểm độ mươi, mười lăm năm trở về trước là hoàn toàn bình thường mà ngay cả phụ huynh học sinh cũng ít khi có ý kiến, thậm chí có phần đồng tình để cùng giáo dục các học sinh. Người ta nói "yêu cho roi cho vọt", hình phạt quỳ gối kia không có gì ghê gớm để hình thành lên một nhân cách cho tương lai của thế hệ học sinh.
>>Những vết bầm và sự vô tâm trong giáo dục
Bức ảnh cậu học sinh đang bị phạt quỳ còn cô giáo ngồi bình yên bên giáo án, hay chuyện tôi bị thầy Nho phạt đứng trên tổ kiến vàng, nếu đột ngột xuất hiện sẽ gây phản cảm với bất kỳ ai. Nhưng nếu biết câu chuyện trước đó thì mọi người sẽ nhìn nhận công bằng hơn. Một trong ba cậu học sinh kia đã là những học sinh cá biệt, thường xuyên bỏ giờ, bỏ tiết, nghỉ học, không chỉ của lớp, không chỉ với một cô giáo Quy, mà với rất nhiều giáo viên khác. Cô Quy đã nói rằng mình bất lực, dù đã áp dụng đủ các phương pháp giáo dục.
Còn câu chuyện của tôi gần 30 năm trước khiến cho hình phạt không giống ai của thầy Nho mang đầy tính thuyết phục, kiểu "gậy ông đập lưng ông". Vì, mười phút trước khi tôi bị làm mồi cho ổ kiến vàng thì chính thầy Nho đã là nạn nhân của ổ kiến này.
Ngày xưa, trường lớp nền đất, mái dột tứ tung. Mấy hôm trước đó trời mưa, kiến kéo lên bục giảng cao ráo lớp tôi làm tổ. Biết đến tiết của thầy nên tôi căn đủ thời gian thầy vào đến bục, tôi đã đạp lên ổ kiến trước đó 5 phút mà không ai trong lớp biết.
Thầy vừa vào, đứng trên bục giảng nhìn xuống chào cả lớp, thì chỉ sau chưa đầy hai phút đã phải bỏ cặp, bỏ thước, đưa cả hai tay vuốt kiến bám vàng hai chân trắng muốt của thầy. Không quá khó để biết thủ phạm là ai trước sự ngạc nhiên của cả lớp, thầy gọi tôi lên đứng vào ổ kiến thay chỗ của thầy, còn thầy uy lực với chiếc thước lim cùng đôi mắt hình viên đạn như đã kể...
>> Trăm 'dâu' đổ đầu thầy cô giáo Việt
Tôi kể lại ở trên để các bạn có thêm cách nhìn nhận sự việc một cách công bằng hơn, trước khi đi đến phán quyết. Sự thực, ít ai đi tìm hiểu, hay biết được những hành động trước đó dẫn đến những hình ảnh này, ngay cả phụ huynh của học sinh bị phạt quỳ ở trên, đã không xem xét kỹ mà đưa đơn gửi luôn đến ngành giáo dục.
Nếu theo dõi thông tin đa chiều với nhiều cách nhìn nhận, hẳn các bạn cũng thấy được sự việc đã đi đến đâu? Mạng xã hội bây giờ tạo cho người ta luôn sống vội, a dua, hùa theo đám đông. Ai cũng có quyền phán xét người khác mà không cần biết lý do, không cần biết đến đúng sai.
Giáo viên với đồng lương khiêm nhường bèo bọt, vốn đã bị áp lực từ nhiều phía thì nay chìm trong thảm họa vì sự lên án "hùa theo đám đông" trùng trùng lớp lớp kia. Đâu đó, những sự đồng cảm nhỏ nhoi lên tiếng yếu ớt lại bị nuốt chửng bởi biển người.
>> 'Thay vì tổ chức thi dạy giỏi, hãy bắt buộc giáo viên đọc sách thường xuyên'
Tôi không biết từ bao giờ, học sinh ngày nay đã gần như hoàn toàn là thượng đế, nếu không vừa ý chúng thì sẽ xảy ra biết bao nhiêu câu chuyện phủ lên đầu giáo viên. Chúng đánh nhau giáo viên cũng bị lên án, chúng bầy đàn cướp giật giáo viên cũng bị vạ lây...
Không lẽ, đã đến lúc, học sinh đặt đâu, giáo viên ngồi đó? Xin nói thêm, nghề giáo viên cũng chẳng phải là nghề giàu có gì nếu như không nói là nghèo theo đúng nghĩa cho đến bây giờ. Những giáo viên "cơ hội" thì xin không nói đến.
Nghề này, cũng chẳng khác mấy nghề làm dâu trăm họ, vừa lòng được tất cả là một điều rất khó, nhưng lại rất dễ bị nhòm ngó hội đồng của toàn xã hội. Trong khi đó, ít ai nhìn vào phía đời sống của bao nhiêu giáo viên với cuộc sống bấp bênh vì đồng lương bèo bọt.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.