Phi công Nga Roman Savin đang vui vẻ làm nhân viên giao hàng để chờ đại dịch qua đi. Có rất nhiều điểm khác biệt giữa bức ảnh chụp chân dung Roman bảnh bao trong trang phục phi công năm 2019 và năm nay, anh đang xách túi đi giao đồ ăn. Nhưng điểm chung lớn nhất của hai bức ảnh, lại là vẻ đẹp của con người tìm thấy niềm vui trong lao động, dù đó là bất cứ công việc gì, miễn có ích cho xã hội. Và trên tất cả, là sự lựa chọn để vượt qua khó khăn trong cuộc sống, cho dù chúng ta là ai.
Không chỉ Roman, chúng ta còn bắt gặp những phi công người Thái Lan bình thản chuyển sang chạy xe ôm công nghệ, mở tiệm cắt tóc để sống sót trong đại dịch. Hay một cơ trưởng người Malaysia với kinh nghiệm bay 9 năm hài lòng khi chọn công việc giao hàng như một cách "ngủ đông" mùa dịch... Đó là vài câu chuyện đẹp về nghị lực vươn lên khỏi khó khăn bằng thái độ tích cực mà tôi đọc được trên báo mấy ngày nay.
Tất cả họ đều từng sở hữu công việc mà nhiều người mơ ước, với mức lương cao chót vót, cuộc sống đầy đủ vật chất, nhưng khi Covid-19 tàn phá khắp thế giới, họ đều mất việc giảm việc như bao người khác. Có điều, thay vì ủ rột nhìn ngày tháng trôi, họ chọn cách thay đổi bản thân, tìm một công việc mới (dù không phải việc cao cấp, với mức lương chỉ đủ sống) để duy trì cuộc sống của mình và gia đình. Và cuối cùng, tất cả đều vui vẻ với quyết định của mình và hạnh phúc với công việc mới, cuộc sống mới.
Những con người ấy khiến tôi yêu đời hơn.
Không phải ai cũng làm được điều tưởng chừng như đơn giản đó. Đã gần một năm kể từ ngày thế giới biết đến sự tồn tại của nCoV và Covid-19 vẫn đang phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Trước sức tàn phá của dịch bệnh, hầu hết các ngành kinh tế đều gặp khó khăn. Tình trạng giảm lương, nợ lương, cắt giảm nhân sự, mất việc diễn ra ở bất cứ quốc gia nào. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ trong cơn bão dịch. Hai đợt bùng dịch lớn trong nước đã khiến nhiều người điêu đứng với bài toán cơm, áo, gạo, tiền.
Tôi có vài người bạn làm buôn bán. Dịch kéo dài khiến hàng hóa của họ gần như ế ẩm. Trước đó, có người từng than thở mỗi khi tôi gọi đi tụ tập nhóm bạn thân rằng "khách khứa đông quá, chẳng có thời gian mà thở chứ nói gì đến đàn đúm". Giờ vẫn người bạn đó lại kêu than với tôi rằng: "Chán quá ông ạ. Cả tháng ngồi đuổi ruồi, tiền đâu mà chi trả khoản thuê mặt bằng đây". Tôi gợi ý: "Hay ông xem kiếm việc gì làm thêm đi?". Bạn tôi đáp: "Xưa nay chỉ biết ngồi một chỗ bán buôn, giờ làm gì được, mà chắc gì kiếm được tiền". Nghe vậy tôi cũng chỉ biết cười trừ động viên bạn.
Lại có một người họ hàng khác của tôi mở khách sạn ở Đà Nẵng. Trước đây, cứ mỗi dịp hè đến, cả gia đình tôi kéo đến khách sạn của người này để nghỉ dưỡng. Năm nào khách khứa cũng nườm nượp, khách sạn luôn cháy phòng, chúng tôi nhiều khi còn chỉ kịp ngồi ăn vội bữa cơm với nhau, nói dăm ba câu chuyện vì không dám làm phiền chuyện công việc bận bịu. Thế nhưng, đợt dịch này cũng khiến việc làm ăn của người họ hàng tôi bị ảnh hưởng nặng nề. Khách du lịch gần như không có, chỉ còn những dòng trạng thái than ngắn thở dài trên mạng xã hội và những cuộc điện thoại kể lể giãi bày. Tôi cũng khuyên họ thử kiếm việc khác làm tạm nhưng bị phản đối ngay với lý do "làm chủ quen rồi, giờ làm thuê sao nổi". Tôi lại đành an ủi rằng mọi chuyện rồi sẽ qua.
>> Đói ăn mùa dịch - tình thương và lý trí
Mới hôm rồi, tôi có dịp gặp lại người anh họ làm giám đốc một công ty tổ chức sự kiện. Dịch bệnh kéo dài, Chính phủ hạn chế tụ tập đông người nên ngành làm sự kiện cũng trở nên ế ẩm. Ngồi trà đá tâm sự, anh than phiền vì từ đầu năm đến giờ chẳng có việc, nhân viên toàn ngồi chơi hoặc cho nghỉ gần hết, công ty nguy cơ phải đóng cửa. Tôi ngỏ ý giới thiệu anh sang làm shipper cho một người quen chuyên bán đồ ăn online - ngành dịch vụ đang khá đắt khách do nhu cầu đặt đồ ăn từ xa mùa dịch tăng cao. Thế nhưng anh lập tức từ chối.
Tôi có vẻ may mắn hơn mấy người thân xung quanh vì công việc văn phòng vẫn duy trì ổn định trong suốt gian đoạn dịch bệnh lan rộng. Tất nhiên, tôi rất đồng cảm với những khó khăn mà nhiều ngành nghề đang phải vật lộn để tồn tại trong mùa dịch. Nhưng cũng có chút thất vọng khi nhìn những người mình quen ngày ngày than thở, kêu ca với hoàn cảnh hiện tại thay vì tìm cách thay đổi, xoay xở để vượt qua nghịch cảnh. Con người vẫn chưa thể dập tắt hoàn toàn Covid-19 khi mà vaccine vẫn chưa được phổ biến toàn cầu. Sẽ còn phải mất một thời gian dài nữa để xóa sổ hoàn toàn nCoV và sau đó là cả một quá trình phục hồi kinh tế cũng lâu chẳng kém. Từ giờ đến lúc đó, liệu những người mà tôi kể trên sẽ làm gì để sống, sẽ tìm niềm vui mới hay mãi u sầu?
Dịch bệnh sẽ khiến bạn chết mòn hay chỉ là bước ngoặt để tương lai của bạn rẽ sang một hướng khác với nhiều cơ hội hơn ở phía trước? Điều đó hoàn toàn do thái độ đối mặt của bạn. Hạnh phúc sẽ đến nếu bạn chấp nhận mọi nghịch cảnh và tìm lối thoát với nụi cười trên môi.
Tôi thấy vui khi bắt gặp những người giao hàng, chại Grab luôn niềm nở với khách hàng, nụ cười luôn trên môi, bởi họ trân trọng công việc của mình. Đó có thể không phải những công việc cao sang, hào nhoáng nhưng đó những công việc vẫn "sống khỏe" trong bão dịch. Và quan trọng trọng nhất, đó là những công việc chính đáng, giúp nuôi sống bản thân và cả gia đình họ trong thời điểm khó khăn kéo dài - một điều đáng để mỗi người làm chúng thấy vui và tự hào.
Chỉ khi nào chúng ta từ bỏ sĩ diện cá nhân để dám làm, dám vui sống thì khi ấy, cuộc sống mới đền đáp lại ta những món quà xứng đáng. Đừng chỉ trông chờ những ông bụt, bà tiên trong tưởng tượng vì đời vốn không phải chuyện cổ tích.
Nụ cười của anh phi công trẻ người Nga cùng bức ảnh 'tự sướng' khi chính anh đi giao đồ ăn trong thang máy tiếp thêm nghị lực cho chúng ta.
Hãy vui nếu công việc hiện tại vẫn đang giúp bạn sống sót qua đại dịch. Còn nếu bạn đang loay hoay trong vòng xoáy thất nghiệp, hãy mạnh dạn tìm một việc làm mới (cho dù đó chỉ là việc làm tay chân, không đúng chuyên môn và mức lương như kỳ vọng) với một thái độ tích cực, lạc quan. Cuộc đời nhất định sẽ mỉm cười lại với bạn.
Bảo Nam
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.