Trước Covid-19, phi công, tiếp viên hàng không là những nghề luôn nằm trong danh sách được nhiều người mơ ước. Khi đại dịch xảy ra, hầu hết họ phải đối mặt với khó khăn khi các hãng bay đóng cửa, sa thải nhân viên.
Thanun Khantatatbumroong là phi công của hãng Thai Lion Airways. Khi khủng hoảng xảy ra, anh và nhiều đồng nghiệp đã phải nghỉ việc. Nhưng mọi thứ không khiến Khantatatbumroong nản chí. Anh nhanh chóng tự tìm cho mình một cơ hội khác để kiếm sống: trở thành lái xe Grab và giao đồ ăn cho khách quanh Bangkok. Đến nay, anh đã làm công việc này được khoảng 2 tháng. Anh cho biết thêm sẽ cắt giảm mọi chi phí không cần thiết và tiết kiệm để sống sót qua đại dịch.
Có hoàn cảnh tương tự là Kosit Rattanasopon, 37 tuổi, tiếp viên trưởng của hãng Orient Thai Airlines. Anh bị mất việc do hãng bay đóng cửa. Nhưng Rattanasopon nhanh chóng chuyển sang làm giao hàng. Mỗi ngày, anh kiếm được 1.000 baht (730.000 đồng) bằng việc lái xe máy đi khắp Bangkok giao đồ ăn. Khách hàng của anh là những người mua hàng trực tuyến, đặt đồ ăn do bố và chị gái của Rattanasopon làm.
"Tôi biết mọi thứ sẽ không quay trở về được như cũ, ít nhất là một năm nữa. Vì vậy, tôi cần tiếp tục làm công việc này", anh nói. Nghề giao hàng không hấp dẫn như tiếp viên, nhưng Rattanasopon không hối tiếc vì ít nhất, nó vẫn mang lại cho anh thu nhập trong thời điểm khó khăn này.
Lim Wei Lung, người Malaysia, từng có công việc được nhiều người mơ ước. Là phi công thương mại của Air Asia, người đàn ông này đã bay đến nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Anh từng ngắm những đám mây tuyệt đẹp trên bầu trời trong xanh, hay khung cảnh ngoạn mục của những cánh đồng xanh tươi phía dưới. Nhưng rồi khi những giấc mơ đẹp qua đi, đôi khi con người sẽ có những cơn ác mộng. Và Lim cũng thế. Đó là lúc hãng bay của anh cắt giảm chuyến bay, rồi "ngủ đông" khi chính phủ Malaysia ban hành lệnh kiểm soát đi lại vào ngày 18/3.
Thời gian đầu, Lim ở nhà nghỉ ngơi và dành thời gian cho gia đình, đăng ký các khóa học trực tuyến để nâng cao trình độ. Sau đó, anh đăng ký công việc giao hàng cho Công ty kho vận Teleport - chi nhánh hậu cần của AirAsia. Hiện tại, nhiệm vụ hàng ngày của anh liên quan đến việc cung cấp hàng hóa thiết yếu cho khách hàng, theo dõi các hoạt động giao hàng. Cơ trưởng với kinh nghiệm bay 9 năm này cho biết, anh cảm thấy thích thú với công việc mới.
Còn Thawanan Thawornphatworakul là nữ tiếp viên hàng không 36 tuổi. Sau khi thất nghiệp, cô cho sửa sang phần trước ngôi nhà của mình thành cửa hiệu cắt tóc, phục vụ người dân địa phương. Cửa hiệu nhỏ của cô đón 2 - 3 khách mỗi ngày. Mỗi đầu, cô lấy công 150 baht (hơn 100.000 đồng). Thu nhập từ nghề cắt tóc không đáng kể so với khi cô còn phục vụ trên bầu trời, nhưng ít nhất nó giúp cô có tiền chi trả các hóa đơn cần thiết trong cuộc sống.
Anh Minh (Theo Reuters)