(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Có thể hầu hết người dân sống ở các thành phố đều đã nhiều lần gặp những chiếc xe máy trơ khung, hỏng đèn, chở bình gas hay nước đá chạy khắp nẻo đường đô thị. Những chiếc xe này có một "đặc quyền vô hình" là có thể chở quá khổ, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, bấm còi inh ỏi... còn hơn cả mấy chiếc xe ưu tiên. Còn lý do vì sao chúng không bị "hỏi thăm" thì nhiều người chắc đã tự tìm được cho mình lời giải đáp. Vậy đó, "vì họ nghèo thôi mà".
Trở lại câu chuyện ầm ĩ mấy ngày gần đây về video giữa vị Phó chủ tịch phường ở Quảng Ninh và người phụ nữ bán hàng rong. Nhìn vào những bình luận nhận được nhiều lượt thích nhất, có vẻ cộng đồng mạng đang phần lớn đứng về phía người bán hàng rong. Và trong số đó, tôi nhận ra rằng có rất nhiều bình luận đưa ra cùng một lý do - hoàn cảnh. Nếu tách bạch hai vấn đề: lời lẽ, cử chỉ thiếu chuẩn mực của cán bộ Nhà nước và sự vi phạm pháp luật liên tục của người bán hàng rong, thì chúng ta thấy lý do "nghèo khó" liệu có đủ để biện hộ cho việc vi phạm pháp luật hay không?
Và cách đây mấy hôm, phương tiện thông tin đại chúng lại đưa tin về những người ăn xin, tật nguyền vẫn đi bán hàng ở các ngã tư đường phố trong thời điểm cả nước đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Với một vấn đề nhạy cảm như thế này, chắc ít ai dám chỉ trích những con người khó khăn kia. Cá nhân tôi cũng vậy. Nhưng giả sử một trong những người yếu thế của xã hội kia vô tình mang mầm bệnh và lây nhiễm cho hàng loạt người qua đường, trong đó có những người tốt bụng đã giúp đỡ mình thì việc truy lùng và cách ly những người liên quan là vô cùng khó khăn nếu không nói là bất khả thi.
Nếu đặt lên bàn cân, một bên là những đóng góp xã hội của một nhóm nhỏ người kia và một bên là những hậu quả mà họ có thể gây ra thì chúng ta có thể hiểu lựa chọn nào sẽ đúng đắn hơn: "lợi ích của cả cộng đồng" hay "lợi ích của một vài người yếu thế"?
>> Những người không 'lãng mạn' mùa dịch
Nhân loại nói chung và người dân Việt Nam nói riêng đều có tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau. Đặc biệt với một đất nước trải qua nhiều khó khăn gian khổ bởi những cuộc chiến tranh như Việt Nam, tinh thần "đồng bào" ấy lại càng sâu đậm hơn bao giờ hết. Và không khó để đưa ra những dẫn chứng cho điều tôi vừa nói.
Những ngày này chỉ cần bước ra ngoài đường một quãng ngắn, chúng ta lại thấy các điểm phát quà miễn phí, những cây ATM gạo với hàng dài người đứng đợi. Còn nếu không có cơ hội chứng kiến tận mắt những cảnh tượng như thế, chỉ cần lên mạng, chúng ta sẽ thấy ra rả những bài viết vô cùng xúc động về những mạnh thường quân, những người thiện nguyện, những người đồng bào nơi xa xứ. Đối với cá nhân tôi, những hành động ấm tình người này là vô cùng thiết thực để giúp đỡ những người yếu thế có thể "cầm cự" đến ngày hết hạn cách ly hoặc đủ lâu để đợi gói cứu trợ hàng nghìn tỷ từ Nhà nước.
Từ những minh chứng ở trên, có thể thấy rằng chúng ta không ai muốn bỏ rơi "đồng bào" của mình cả. Tuy nhiên, lòng tốt, tình thương cần đặt đúng chỗ và thể hiện đúng cách thì mới mang lại hiệu quả tốt. Lòng yêu nước, yêu đồng bào ắt có nhiều cách để thể hiện. Giải pháp trực tiếp có thể là tin nhắn ủng hộ 20 nghìn đồng cho Quỹ phòng chống dịch quốc gia, có thể là cân gạo, quả trứng treo trước cửa nhà hàng xóm hay là gói cứu trợ nghìn tỷ đồng của quốc gia đến các doanh nghiệp, người dân. Còn gián tiếp có thể đơn giản chỉ là ở nhà trong những ngày cách ly xã hội.
Về lâu dài, yêu tổ quốc, yêu đồng bào là phải hăng say học tập, sản xuất để đất nước bớt đi những con người nghèo khổ, để quỹ phúc lợi đủ trang trải cho những người vô gia cư, tật nguyền để mỗi khi khó khăn họ không còn cần phải "bất chấp" để tự gây rủi ro cho bản thân và xã hội.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.