Nhiều trường đại học đã chuyển sang giảng dạy online vì dịch Covid-19. Cứ ngỡ mọi khó khăn, bất cập của phương pháp học tập này chỉ xoay quanh việc mạng internet kết nối chậm, việc học không trực quan dẫn đến ảnh hưởng kết quả học tập của sinh viên lẫn chất lượng truyền tải kiến thức của giảng viên.
Nhưng ngờ đâu, chuyện mà nhiều người quan tâm nhất trong mấy hôm gần đây lại xuất phát từ việc thiếu kiềm chế của giảng viên trong những tiết học online. Vụ việc giảng viên đuổi sinh viên ra khỏi lớp online vì không nghe rõ mới tạm lắng xuống thì chuyện giảng viên mắng sinh viên là "óc trâu" lại nổi lên.
Dù cả hai sự việc được nhà trường, lẫn giảng viên liên quan xử lý bằng cách giải thích, xin lỗi nhưng tôi thấy có một vấn đề phải bàn đến.Một mặt, tôi đồng ý rằng lớp học ngày xưa vẫn như lớp học bây giờ. Tức là vẫn có những giáo viên, giảng viên đôi khi không kiềm chế được cảm xúc và cơn tức giận bởi lỗi sai hoặc sự biếng nhác của người học. Giảng viên cũng là người, nên đôi khi cũng không kiềm chế được cảm xúc của mình.
Sự mâu thuẫn nằm ở chỗ ngày thường, chính chúng ta đòi học một nền giáo dục tân tiến, một lớp học với cách truyền đạt kiến thức cởi mở và khai phóng. Nhưng hễ có sự cố gì đó xảy ra thì một số người nhanh nhảu viện lý do "ngày xưa tôi đi học còn ghê hơn thế" hoặc "không nhờ thầy mắng mỏ ngày xưa thì tôi không nên người như bây giờ".
>> Kỷ luật thầy cô để dẹp bạo lực học đường là bạo hành giáo viên
Tôi rất lấy làm khó hiểu, bởi đã qua hàng chục năm rồi, vẫn có người ủng hộ và coi việc giảng viên mắng mỏ, xúc phạm người học là chuyện bình thường. Thậm chí đánh đồng với đó là sự giáo dục nghiêm khắc với "ý mong muốn sinh viên, người học tốt lên". Tại sao chính mình cũng thừa nhận sợ sệt thầy cô hay mắng ngày xưa nhưng bây giờ lại ủng hộ con em mình học với những giáo viên hệt như vậy?
Tôi nghĩ thì lại khác. Tại sao không coi đó là những điều bất thường và không nên xảy ra trong môi trường giáo dục sư phạm? Dạy và học online có thể có nhiều bất tiện. Giảng viên phải dùng nhiều công sức soạn slide bài giảng, phải nói đi nói lại một vấn đề nhiều lần, tuy nhiên đó là tình hình chung. Giảng viên gặp khó bao nhiêu thì hầu như sinh viên cũng có chừng ấy khó khăn.
Tuy nhiên, đã ở trong môi trường sư phạm thì phải tuân theo những chuẩn mực riêng. Sư là thầy, phạm là mô phạm mẫu mực theo khuôn phép. Bản thân là người dạy thì phải để ý đến lời ăn, tiếng nói, cách hành xử thật đúng với phép tắc thầy ra thầy, trò ra trò. Dù trò có ngỗ ngược đi nữa thì giảng viên cũng nên bình tĩnh giải quyết vấn đề mang đậm tính giáo dục nhất. Nổi nóng hay viện dẫn cảm xúc vào để rồi cho ra những hành động không đẹp, lời lẽ không hay chỉ cho thấy sự bất lực mà thôi.
Thời buổi bây giờ ai cũng có sẵn smartphone, sẵn sàng quay clip lại nên chúng ta mới có dịp chứng kiến những sự việc như vừa rồi. Nhưng có lẽ đó cũng chỉ là những mảnh ghép của một bức tranh to lớn hơn. Còn bao nhiêu lớp học có những giảng viên hay nổi nóng, mắng mỏ sinh viên?
Phạm Quang
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.