(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Trong cách dạy và học của nhiều giáo viên hiện nay, không chỉ yêu cầu học sinh phải thực hiện nhiều bài kiểm tra (nhiều hơn so với mức tối thiểu theo quy định), có nhiều người còn đánh giá sức học giữa học sinh này so với học sinh khác, giữa lớp này với lớp khác. Điều này vô hình chung lại gây nhiều hệ lụy xấu hơn là những mặt tốt mà nó mang lại.
Ai cũng biết, việc so sánh giữa em này với em khác là một cách để nhắc nhở, tạo động lực để các học sinh yếu hơn phấn đấu học tập, nâng cao kết quả học tập. Trong cuộc sống, phải có sự cạnh tranh, ganh đua thì mọi người mới có ý chí phấn đấu, tạo động lực vươn lên, xã hội mới từ đó mà đi lên.
>>Trăm 'dâu' đổ đầu thầy cô giáo Việt
Trong lớp, nhiều giáo viên lấy những bạn học tốt, giỏi đều các môn ra để làm gương, so sánh với các bạn học yếu hơn.
Còn ở nhà, khi phụ huynh nhìn thấy những học sinh khác điểm cao, con mình thì thấp hơn chúng. Và từ đó mà bố mẹ mới bảo con: "Đấy, con nhà người ta học giỏi vậy, còn con nhà mình học không tốt bằng chúng nó".
Tóm lại, so sánh giữa học sinh này với học sinh khác xem ra chỉ có hai mặt tốt cốt lõi là đánh vào tâm lý học sinh, tạo động lực để các em phấn đấu và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong lớp học. Nhưng đằng sau đó là những mảng tối mà có lẽ chắc nhiều người trong chúng ta cũng đã biết.
Trước hết, mặc dù việc so sánh giữa các học sinh đánh trực diện vào tâm lý, tạo động lực, tạo cạnh tranh nhưng đổi lại cũng làm gia tăng áp lực học tập cho học sinh. Chương trình học vốn đã nặng, nay vốn thêm gánh nặng "thi đua", thì sẽ tạo ra hệ lụy rất xấu cho các em. Áp lực dẫn đến tâm lý học tập chán nản, học khó vào, không đạt hiệu quả cao. Khả năng tiếp thu kiến thức của mỗi học sinh là quá giới hạn, nay lại tạo áp lực bắt các em phải học, như vậy chất lượng dạy học cũng theo đó mà giảm sút.
>>Tôi bị thầy giáo phạt đứng trên tổ kiến vàng
Thứ hai, không phải tất cả các học sinh đều có thể giỏi đều như nhau. Em A có thể giỏi về môn X, em B yếu môn X nhưng lại giỏi về môn Y... So sánh giữa các học sinh thông qua một bảng điểm trung bình không phải là chính xác, điểm đánh giá thì chỉ là tương đối và phụ thuộc rất nhiều vào cách kiểm tra, cho điểm, đánh giá của giáo viên. Và nhìn vào bảng điểm tất cả các môn, việc so sánh đã là khập khiễng. Đó là còn chưa kể học sinh còn có thể sử dụng các thủ thuật quay cóp để làm bài kiểm tra...
So sánh giữa em này với em khác đã là rất khập khiễng, và tiềm năng của các em không phải thầy cô nào cũng đánh giá, khai phá được hết. Ra ngoài cuộc sống sau này, để thấy thực sự ai giỏi hơn, ai thành công hơn, thì chúng ta không thể đoán trước.
Thứ ba, cũng chính từ cái sự so sánh "khập khiễng", trong đánh giá học tập, thông qua điểm số, những em học tốt thật sự có thể thua thiệt những em lực học yếu hơn nhưng điểm cao hơn nhờ quay cóp, đi học thêm cô giáo hoặc bố mẹ hay người thân xin nâng điểm...
>>Thời công nghệ, giáo viên bị soi mói thái quá?
Đây là một trong những mặt trái cần lên án. Bởi chính nó sẽ đánh trực tiếp vào tâm lý của các em học tốt, dễ sinh ra chán nản, suy sụp tâm lý, có thể hành động dại dột bất cứ lúc nào. Phụ huynh, giáo viên thì nhiều người còn tư tưởng "bệnh thành tích", tạo ra cái áp lực đè nặng lên học sinh.
Vụ gian lận thi cử ở Hoà Bình, Sơn La, Hà Giang năm 2018 vẫn còn rất nóng hổi về câu chuyện "nâng" điểm, mua điểm...
Đó là chưa kể việc so sánh giữa các học sinh trong quá trình học tập sẽ để lại những di hại xấu đến chính những bước đi cuộc đời của các em, kéo lùi nền giáo dục nước nhà. Và còn rất nhiều những hệ quả xấu khác.
Theo dự thảo Điều lệ trường Trung học Cơ sở, Trường Trung học phổ thông, Trường phổ thông có nhiều cấp học, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu không so sánh giữa học sinh này với học sinh khác.
Tôi cho rằng, việc so sánh này cần được bỏ, để giảm áp lực học tập cho học sinh, tạo sự phát triển lành mạnh để các em có thể phát huy đúng những năng lực, sở thích của mình. Đó chính là những định hướng tiên tiến, góp phần phát triển năng lực học sinh, định hình nhân cách các em.
Phụ huynh cũng đừng nên dùng "con nhà người ta" để so sánh với con mình. Các con còn nhiều tiềm năng, thế mạnh cơ mà, cần được phát huy hết chứ. Hãy động viên con mình và tạo động lực để các con phát triển, hơn là việc đi so sánh. Và xa hơn là giảm tải chương trình, chữa ngay cái căn bệnh thành tích trong giáo dục vốn đã là vấn đề nhức nhối suốt bao nhiêu năm nay.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Vĩnh Lê