Tôi không phải là giáo viên nhưng khi công ty cơ cấu lại, tôi chuyển sang bộ phận đào tạo, trở thành giảng viên nội bộ của tập đoàn. Bây giờ, tôi thi thoảng được học viên gọi là cô, dù tôi không phải học sư phạm ra.
Tôi làm quen với việc soạn tài liệu, khổ sở căng não học cho thuộc trước lên lớp. Rồi sau đó phải chấm điểm học viên, thu thập phiếu khảo sát xem học viên ưng ý hay chê bai điều gì.
Và có những lúc, phản hồi của học viên khiến tôi mất ngủ. Chỉ một câu chung chung "kỹ năng giảng dạy còn yếu" hay tài liệu chỉ đạt mức trung bình, chẳng hạn.
Sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết, bởi mỗi lớp mỗi vấn đề. Nói cả ngày trước một hội trường đông người không hề đơn giản.
>> 'Văn hóa phong bì đã ngụy trang thành lòng biết ơn'
Tôi bắt đầu chập chững làm slide (tập tin trình chiếu), sử dụng cây bút có đèn laser khi đứng trước hội trường, lưu ý giữ giọng trước mỗi đợt tập huấn. Chuẩn bị cách đối phó khi bị học viên hỏi khó, bắt bí. Luôn phải tìm hiểu, đổi mới phương pháp giảng dạy sao cho người ngồi nghe dễ hiểu, không nhàm chán. Nhanh chóng nắm bắt được chính sách, quy định, gói cước... của công ty.
Cứ tưởng những điều kể trên là khó khăn nhất rồi. Thế nhưng, khi trở thành "cô giáo bất đắc dĩ", tôi mới hiểu, còn có những ràng buộc mơ hồ đến khó tin dành cho mình.
Xưa nay, tôi thích sử dụng nhạc chờ điện thoại là mấy bài hát sôi động ồn ào. Cứ tưởng đấy là tự do cá nhân, cho tới một lần nhận được cuộc gọi của một học viên. Trước khi bắt đầu trò chuyện, anh này nói một câu thẳng thừng rằng: "Cô giáo sao lại cài bài nhạc gì nghe kỳ cục quá, không phù hợp tí nào. Đổi ngay và luôn đi cô ơi".
>> 'Không thể viện cớ lương thấp để xí xóa chuyện phong bì'
Tôi phải đầu tư một cơ số quần áo mới cho tương xứng với cái nghề nghiệp "từ trên trời rơi xuống" của mình. May mà ngành tôi công tác không bắt phải diện áo dài hay đồng phục, chỉ cần công sở là được rồi. Những thể loại như váy hơi ôm hơi ngắn, cổ áo hơi rộng, có đính nơ to có ren rua phối màu, hay sắc áo hơi tươi hơi bông hoa rực rỡ chút đều phải loại ra.
Mỗi khi chuẩn bị trang phục cho một chuyến đi dạy, tôi đều băn khoăn: Liệu bộ đồ này có khiến mình đủ tự tin? Quan trọng nhất là phải chỉn chu, đừng dễ gây chú ý, hoặc gây khó chịu cho học viên hay không nhỉ?
Mà phụ nữ, nào chỉ có váy áo. Đi kèm là trang sức, là giỏ xách, là son phấn, là dây buộc tóc, là giày vớ, là màu tóc, là đủ thứ cần phải lưu ý. Không chỉ khi đứng lớp, mà cả trong đời sống hàng ngày.
Nay, tôi luôn thận trọng, do ngại bị người ta đánh giá. Không dám tụ tập bia bọt tới bến như lúc còn tự do trước kia. Ăn nói tất nhiên càng chẳng thể bạt mạng, hứng chí thì thêm vài câu... chửi thề, tiếng lóng như xưa nữa.
Khoác lên người cái gì cũng đều phải cân nhắc. Thậm chí bây giờ, tôi có một phản xạ khá thảm thương, là mỗi khi đi đâu ra ngoài, đều nhớn nhác ngó quanh xem ai đó có khả năng là học viên của mình chăng?
>> Để đam mê dạy học không lụi tàn
Họ đều là đồng nghiệp chung ngành, tuổi tác lắm khi đáng bậc cha chú, nhưng mở miệng ra là kêu "cô". Muốn không nhận cũng chẳng được. Nên sợ hãi nhất chắc chắn phải là câu "Sao cô giáo gì mà...". Ôi cái tiếng "cô" tưởng đơn giản đầy trân trọng mà áp lực đến vô cùng.
Một chị đồng nghiệp cũng là "cô giáo" như tôi, có niềm yêu thích to lớn trong việc làm "nail", tức là sơn móng tay, vẽ bông quẹt hoa, đính đá dán hột. Trong một lần đứng lớp, chị ấy nhận được lời phản hồi rằng, ai đời cô giáo mà điệu đà sơn phết các kiểu thế. Lại có "cô giáo nội bộ" khác bị học viên nhận xét ngay trong phiếu đánh giá, rằng giọng chua lè đậm đặc địa phương mà cũng dám đi dạy.
Khỏi phải nói, hôm đó chị ấy đã buồn và tổn thương tới mức nào...
>> 'Lương giáo viên Việt thấp vì dạy lý thuyết bị xem trọng hơn thực hành'
Có con mới hiểu lòng cha mẹ. Có làm giảng viên nội bộ rồi, mới biết... thông cảm cho cô, thầy của con mình. Từ ngày trở thành "một nửa cô giáo", tôi bỗng hiểu ra, lựa chọn nghề làm "thầy" thiên hạ vốn chưa bao giờ dễ dàng.
Giáo viên cũng đi làm hưởng lương như chúng ta, mà sao phải gánh trên vai bao nhiêu là "thiên chức" khác nhỉ?
Nào là đưa đò, nào là trồng người, rồi thì phải chăm chút giữ gìn hình tượng, phải sống sao cho thẳng thắn, phải thanh bạch, cấm đi làm thêm các kiểu, dù tiền lương "không nói ra thì ai cũng biết". Sao đời nhất định cứ mãi bất công với cái nghề nghiệp "cao sang" này như vậy chứ?
Có năm, vào mùa 20/11, tôi cũng nhận được giỏ hoa be bé từ một đơn vị từng mời mình đứng lớp gởi tặng. Khỏi phải nói, tôi rất bất ngờ. Nhưng niềm vui đó sao cứ phảng phất cảm giác rưng rưng. Đều vì miếng cơm manh áo như nhau cả, nhưng đồng nghiệp khác trong cơ quan tôi không phải là "giảng viên nội bộ", họ sống thoải mái vô tư nhẹ nhõm hơn mình nhiều lắm...
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.