Ghép thận là ghép vào cơ thể người bệnh quả thận mới khỏe mạnh để thay thế chức năng hoạt động cho thận đã suy yếu. Đây là tiến bộ của y khoa đem lại sự sống cho nhiều bệnh nhân suy thận.
PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, khi ghép thận, bác sĩ sẽ không cắt bỏ quả thận yếu, trừ trường hợp cần thiết. Thận mới được ghép vào thường nằm ở vùng bụng dưới, hố chậu phía trước bên cơ thể. Thông thường, người bệnh chỉ cần ghép một quả thận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể cần phải ghép cả hai thận từ người hiến tạng đã qua đời. Sau khi thận mới được ghép vào, người bệnh cần dùng một số loại thuốc ức chế miễn dịch để phòng ngừa cơ thể đào thải mô mới (thải ghép).
Phương pháp ghép thận chủ yếu được chỉ định cho người mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối (ESRD) khi chức năng hoạt động của thận chỉ còn dưới 10%. Tuy nhiên, bác sĩ Chuyên nói, không phải ai muốn ghép thận cũng được mà cần đáp ứng một số điều kiện như tìm được thận hiến phù hợp; có đủ sức khỏe để trải qua cuộc đại phẫu ghép tạng; chịu được chế độ sử dụng thuốc nghiêm ngặt suốt đời; tài chính ổn định, có thể chi trả chi phí phẫu thuật và đơn thuốc về sau.
Bên cạnh đó, đối tượng có bệnh nền cần được bác sĩ kiểm tra lại vì sự xuất hiện của chúng có thể ảnh hưởng đến khả năng thành công của ca phẫu thuật ghép thận. Các bệnh nền bao gồm ung thư, nhiễm trùng nặng (lao, nhiễm trùng xương, viêm gan...), bệnh về tim mạch (suy tim nặng) hoặc gan (xơ gan, ung thư gan); có thể có trường hợp người bệnh ghép gan trước, ghép thận sau.
Những ai có thể hiến thận cho người suy thận?
Theo bác sĩ Chuyên, bệnh nhân cần ghép thận có thể sử dụng thận hiến từ người thân trong gia đình hoặc tạng hiến. Cơ thể vẫn có khả năng hoạt động bình thường với một quả thận khỏe mạnh nên các bác sĩ thường ưu tiên chọn sử dụng thận hiến tặng từ thành viên trong gia đình của người bệnh. Vì có quan hệ huyết thống nên độ tương thích giữa thận hiến và cơ thể người được ghép cao, giảm thiểu rủi ro thải ghép. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng không cần tốn nhiều năm chờ để tìm quả thận hiến phù hợp. Hiện, nước ta đã cho phép hiến và nhận thận từ người không cùng huyết thống, nhưng phải đảm bảo tính tự nguyện và đầy đủ về pháp lý.
Bác sĩ Chuyên chia sẻ thêm, thận của người chết não hiến tạng là lựa chọn thay thế tương đối tốt trong trường hợp người thân trong gia đình bệnh nhân không đủ điều kiện hiến thận. Tuy nhiên nó có độ tương thích không quá cao, dẫn đến tình trạng cơ thể có nhiều khả năng đào thải thận được ghép vào. Bệnh nhân cũng sẽ phải chờ rất lâu (có thể 5 năm hoặc hơn) để có thận hiến phù hợp.
Ghép thận có nguy hiểm không?
Thải ghép là rủi ro điển hình của kỹ thuật cấy ghép nội tạng, bao gồm ghép thận, bác sĩ Chuyên nói. Tình trạng này xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể xem cơ quan mới là "vật thể lạ" nguy hiểm và tấn công, phá hủy mô ghép.
Để khắc phục vấn đề trên, ngoài việc tìm kiếm thận hiến có độ tương thích cao ngay từ đầu, người được ghép thận còn cần sử dụng thuốc chống thải ghép. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng ghép thận có thể xem là giải pháp phù hợp với những trường hợp bệnh thận tiến triển hoặc suy giảm chức năng thận nghiêm trọng, nhưng nó không thể đảm bảo các vấn đề trên sẽ không xảy ra ở thận mới. Do đó, người bệnh cần chăm sóc bản thân đúng cách để phòng ngừa tình trạng này.
Bác sĩ Chuyên cho biết, người được ghép thận cần một vài tháng tới nửa năm mới có thể phục hồi hoàn toàn. Bệnh nhân nên thay đổi một vài thói quen sinh hoạt hàng ngày để đẩy nhanh quá trình bình phục, đồng thời giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng sau ghép thận và phòng ngừa các bệnh về thận gây suy giảm chức năng tái phát.
Bác sĩ Chuyên nhận định, ghép thận có thể xem là giải pháp tối ưu cho những người bị suy giảm chức năng thận nghiêm trọng. Đây là một kỹ thuật điều trị phức tạp cần những chuyên gia tay nghề trình độ ở các cơ sở y tế chuyên khoa có trang thiết bị hiện đại mới có thể tiến hành thực hiện kỹ thuật này.
Châu Vũ
Để đặt lịch khám và điều trị suy thận với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Tiết niệu Thận học, hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách có thể đặt hẹn trực tuyến qua các cách sau đây: - Gọi tổng đài 0287 102 6789 (TP HCM) hoặc 1800 6858 (Hà Nội) để đăng ký lịch hẹn khám bệnh riêng với chuyên gia, thông qua nhân viên chăm sóc khách hàng. - Đăng ký hẹn khám bệnh với bất kỳ bác sĩ nào mà mình tin tưởng tại đường tại đây. - Gửi tin nhắn trên Fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh hoặc Fanpage Tiết niệu - Nam học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. - Nhắn tin qua Zalo OA của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Địa chỉ Hà Nội:108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội. Địa chỉ TP HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM. |