Tôi từng làm quản lý sản xuất mảng SMT (Surface Mount Technology) liên quan đến công nghệ bo mạch. Sau khi làm việc với nhiều nhân viên người Việt, tôi rút ra được một vài nét như sau:
Thứ nhất, tác phong công nghiệp không cao: Thiếu tuân thủ giờ giấc; kỷ luật lao động thấp (làm việc riêng, chuyện phiếm, lưu trình làm việc có nhưng tuân thủ kém...). Công ty đưa ra chế tài, đánh mạnh vào tài chính thì miễn cưỡng, không thoải mái.
Thứ hai, tính tự giác còn rất hạn chế: Làm việc không chuyên tâm đã đành, trong khi làm việc rất dễ chểnh mảng, bất cẩn, gây ra lỗi dây chuyền.
Thứ ba, không có tính tiết kiệm. Quan niệm là cơm công ty, điện do công ty chi trả, tài sản là "của chùa" nên rất dễ lấy quá phần mình thực sự cần hay lãng phí không cần thiết.
Thứ tư, góp ý chân tình không phải ai cũng cầu thị, có người biết lắng nghe; nhưng cũng có thành phần ngoan cố, phải gắng công thuyết phục rất kiên trì mới nên.
>> 'Công nhân siêng năng nếu lương và áp lực công việc đều cao'
Thứ năm, rất hay tỏ "thái độ": bất cần, văng lời không hay kiểu "không làm ở đây, làm chỗ khác có sao..."
Để thay đổi không phải ngày một, ngày hai mà nên ngay được. Cần bắt đầu từ giáo dục, ngay trong gia đình phải biết lắng nghe lời góp ý với tinh thần cầu thị. Nhà trường bên cạnh trang bị cho các em học sinh tri thức, cần hoàn bị cho các em cả các kỹ năng khác, tối thiểu là giao tiếp, tôn trọng người khác.
Xã hội ngày một chuyên môn hóa cao, không thay đổi có khác gì "tự mua dây chằng chân, bó cổ" mình?
Ngọc Hải
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.