Đọc bài viết hơn 1.000 công nhân ngừng việc phản đối cách tính lương mới của một công ty chuyên ngành may mặc, tôi thấy có rất nhiều bạn chưa hiểu hết cách tính lương đặc thù của ngành công nghiệp này.
Tôi là người làm trong ngành đã 18 năm cho các thương hiệu may mặc tại Việt Nam, xin được giải thích để các bạn hiểu rõ hơn.
Hệ thống tính lương trong công ty may mặc luôn áp dụng theo mô hình ăn lương tháng hoặc ăn lương tính trên sản phẩm đầu ra, mà người công nhân hoàn thành trong tám tiếng làm việc.
>> 'Công nhân siêng năng nếu lương và áp lực công việc đều cao'
Có nhiều công ty cho phép người lao động được chọn một trong hai cách trả lương, nếu lương sản phẩm cao hơn lương trả theo tháng thì người công nhân sẽ được nhận theo sản phẩm và ngược lại.
Vì vậy bộ phận tính lương của công ty hàng tháng họ luôn phải so sánh và chọn phương án trả lương để người lao động nhận được mức cao nhất như công ty đã cam kết trong hai phương án trả lương.
Trong công ty may mặc không phải 100% các bộ phận lao động trực tiếp đều áp dụng theo hai mô hình này, mà chỉ có thể áp dụng với công nhân ngồi máy may mà thôi. Các bộ phận khác vẫn hưởng lương theo tháng thay vì theo sản phẩm làm ra.
Lương trả theo tháng thì chúng ta ai cũng đã biết tôi xin được không nói thêm vấn đề này.
Lương trả theo sản phẩm luôn là phương án tối ưu được các công ty may mặc áp dụng nhiều nhất để trả lương cho người lao động. Công nhân cũng hài lòng với phương án trả lương này vì làm giỏi thì hưởng lương cao, vậy tại sao vẫn có người phản đối phương án này?
Theo tôi đây là lỗi chiến lược cố hữu của công ty đã kinh doanh 12 năm tại Việt Nam: lựa chọn phương án trả lương tháng từ khi nhà máy mới đi vào hoạt động cho tới nay nhằm thu hút lao động tại thời điểm đó, trong khi mức lương cơ bản theo vùng nhà nước luôn tăng theo từng năm.
>> Trả lương thấp nhưng đòi tuyển lao động kỹ năng cao
Trả lương theo tháng đã vô tình tạo ra sức ỳ của người lao động, thay vì nâng cao tay nghề thì lại tồn tại luồng suy nghĩ làm nhiều lương cũng nhiêu đó... thì làm sao doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận và bù chi phí cho sản xuất để tái tục đầu tư?
Trong khi đó giá gia công cắt may thành phẩm đơn thuần (CM: cut, make) từ các thương hiệu may mặc khi ký kết với các công ty gia công cách đây 5 năm về trước là 1 USD cho mỗi sản phẩm.
Giá này đã bao gồm tất cả thuế chi phí sản xuất và lợi nhuận của công ty. Cho tới hôm nay giá này không hề thay đổi bởi các brand do tính chất cạnh tranh thay đổi công nghệ trong sản xuất. Vì vậy giá CM không thay đổi thì công ty phải tự thay đổi để tồn tại.
Trong khi đó, bài toán lương cơ bản luôn tăng theo hàng năm, giá gia công CM không tăng, trả lương theo tháng, năng suất lao động không tăng, chi phí sản xuất tăng...
Chốt hạ, lương tháng cao hơn lương theo sản phẩm làm ra trong khi giá gia công CM đầu vào không thay đổi. Chi phí sản xuất tăng cao và ngược lại sản lượng đầu ra thấp, thì không ông chủ công ty nào có thể tồn tại để tiếp tục kinh doanh nếu không có sự đồng thuận và hiểu ra lý do nằm ở đâu.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.