"Xây dựng một tác phong lao động hiệu quả, một thái độ sống và làm việc tích cực cho cả giới chức và người lao động chính là bước kiến tạo quyết định sức bật cho cả nền kinh tế, doanh nghiệp và người lao động"
Đoạn trên là câu cuối của bài báo "Thái độ hơn trình độ" của tác giả Đinh Hồng Kỳ. Bài báo nêu lên các hạn chế trong năng suất làm việc của người lao động Việt Nam mà nguyên nhân phần nhiều đến từ thái độ và tư duy của người lao động.
Tôi cũng đồng quan điểm với góc nhìn của tác giả như phần đông bạn đọc khác. Tuy nhiên vấn đề làm sao để có một "tác phong lao động hiệu quả, một thái độ sống và làm việc tích cực" là một vấn đề không thể giải quyết một sớm một chiều, hay là trách nhiệm của một cá nhân tập thể nào đó nhưng mà là vấn đề chung của xã hội, của cả một hệ thống kinh tế và xã hôi.
18 tuổi, tôi từng làm công nhân trong khu công nghiệp hơn một năm trời trước khi học đại học. Tôi nghỉ việc để tiếp tục học một phần là do mẹ tôi khuyên bảo, nhưng phần nhiều là do tôi sợ suy nghĩ và lối sống của đa số anh em công nhân làm chung.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Khi giáo viên đi buôn đất, vì 'dạy hoài sao giàu nổi'
>> Chạy xe ôm công nghệ, thanh niên bị 'cướp mất' sức khỏe và thanh xuân
Họ vật vờ ở nhà xưởng cho đủ giờ ca, tìm mọi cách để trốn việc, ăn cắp vặt rồi sau đó trở về những căn phòng trọ tồi tàn bù khú trong những cuộc nhậu tới tận khuya rồi ngày mai lại tiếp tục đến nhà xưởng với cơ thể mệt nhoài. Những người không "giống" họ có thể bị ghét, bị chơi xấu đủ chuyện. Phần nhiều công nhân trong công ty lúc đó đều tốt nghiệp phổ thông, thậm chí có những người học cao đẳng, đại học. Nhưng thái độ làm việc và suy nghĩ của họ lúc đó thực sự làm tôi hoang mang.
Sau này, tôi được học lên, đi làm nhiều nơi, rồi cũng làm quản lý trong một doanh nghiệp. Tôi ngộ ra thái độ, tác phong của người lao động không tốt không chỉ là lỗi của họ mà còn là lỗi của người sử dụng lao động và có thể là một phần là của xã hội tương đối dễ sống ở nước ta.
Mức lương tối thiểu vùng năm 2019 thì người lao động vùng một (gồm các bộ phẩn của tỉnh thành Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Hải Phòng) là 4.420.000 đồng đối với lao động không có tay nghề. Đây cũng chính là mức lương của phần nhiều lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp tại vùng kinh tế trọng điểm phía nam (có thể có thêm trợ cấp đi lại, sức khỏe nếu làm công việc độc hại, tiền cơm trong khoảng hai triệu đồng...). Một mức lương khó mà đòi hỏi người lao động làm việc có "tâm" được.
Theo một cuốn sách giáo trình về "đạo đức trong kinh doanh" mà tôi được học, mức lương tối thiểu là mức thu nhập của người lao động đáp ứng điều kiện "thu nhập của hai người đi làm có thể nuôi sống được bốn người". Tôi nhận thấy với mức lương tối thiểu của chúng ta hiện nay, hai người có thu nhập dưới mười triệu một tháng, sống tại một số nơi của TP HCM, thì thậm chí không đủ để nuôi thân nói chi nuôi con cái, mua nhà cửa.
Tại các quốc gia phát triển, quốc gia có nền kinh tế tiên tiến, mức lương tối thiểu của người lao động rất cao. Điều này bắt buộc các tập đoàn phải "đem" nhà máy sản xuất của họ sang các quốc gia đang phát triển nơi có nhân công giá rẻ để giảm chi phí lao động. Vì họ biết được năng suất người lao động ở nước của họ không hẳn cao hơn người lao động các quốc kém phát triển khi làm những công việc này nhưng chắc chắn chi phí sẽ cao hơn, và các ông chủ doanh nghiệp thì không bao giờ muốn vậy.
Một ví dụ khác về việc người chủ doanh nghiệp không muốn trả lương cao cho người lao động dù cho họ có nhiều lợi nhuận là trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng. Các nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội hoặc trung tâm quận 1, TP HCM, có giá dịch vụ đắt đỏ không thua kém gì nhiều khách sạn ở Singapore hoặc các thành phố lớn trong khu vực. Nhưng tôi chắc chắn một điều là lương một nhân viên phục vụ có bằng cấp trong khách sạn năm sao ở Hà Nội hay TP HCM không bằng lương của một cụ bà về hưu làm việc dọn vệ sinh ở các khu vực ăn uống (food court) trong trung tâm thương mại ở Singapore mặc dù thuế, chi phí đầu vào có thể rẻ hơn Singapore nhiều lần.
>> Chừng nào còn làm may mặc, lắp ráp công nhân Việt còn nghèo
>> 'Du lịch Việt nhàm chán do sản phẩm không được đầu tư chất xám'
Trong việc quản lý kinh doanh sản xuất, người quản lý, người chủ doanh nghiệp luôn muốn doanh thu cao, lợi nhuận cao nhưng tổng chi phí sản xuất kinh doanh phải thấp, mà chi phí lao động lại là một phần không nhỏ trong tổng các khoản chi phí đó.
Người sử dụng lao động luôn muốn người lao động làm việc chăm chỉ, siêng năng, cống hiến hết mình nhưng chỉ phải trả một khoản thù lao nhỏ nhất có thể. Điều này làm nảy sinh mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đây là một dạng mâu thuẫn phổ biến tồn tại từ rất lâu (thậm chí có cả trong các câu truyện cổ tích) và trong nhiều hình thái kinh tế. Đây là nguyên nhân của sự ra đời các luật lệ trong lao động, mức lương tối thiểu, công đoàn và các học thuyết kinh tế để trung hòa các mâu thuẫn này.
Tôi cũng có bà con, bè bạn từ Việt Nam sang sống làm việc bên các nước phát triển. Họ cũng được trả lương và hưởng các chế độ giống như những người bản xứ khác. Họ cũng được đánh giá thông minh, chăm chỉ, tích cực và ham học hỏi, điều mà đôi khi họ không được đánh giá cao khi sống và làm việc ở Việt Nam. Đa phần người Việt ra nước ngoài sống có việc làm thường có thu nhập cao hơn khi làm việc ở Việt Nam. Tuy nhiên, họ phải sống dưới áp lực khá lớn về thuế, bảo hiểm các khoản phải trả khi vay mua nhà, mua xe và thậm chí phải đi làm để con được đi học và nhiều lý do khác. Những điều đó có lẽ cũng là một phần lý do mà lao động các quốc gia phát triển luôn phải có thái độ làm việc tích cực để không bị đuổi việc, sa thải.
Tôi nghĩ nếu thu nhập của người lao động ở Việt Nam lớn đủ cao để họ có thể vay mua nhà, mua xe, luật pháp quy định chặt chẽ việc lao động phải có hợp đồng để được hưởng các tiện ích xã hội cho bản thân và cho gia đình thì thái độ của người lao động mới tốt hơn được. Thực sự đôi khi buộc con người sống dưới áp lực, sống trong khuôn khổ thì họ mới sống nghiêm túc và có thái độ tốt hơn được.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.