Năm nay, tôi có dịp về quê ăn Tết. Trải qua một kỳ nghỉ dài ngày, có hai điều khiến tôi cứ ám ảnh cho đến giờ phút này. Đó là tình trạng chặt chém, nâng giá vô tội vạ ngày lễ Tết, và vấn nạn karaoke ồn ào khắp xóm làng.
Tết là dịp để nhiều gia đình du xuân, sắm sửa và trang hoàng nhà cửa. Tuy nhiên, rất nhiều người đặc biệt là các tiểu thương buôn bán lại xem là dịp kiếm thật nhiều tiền bằng nhiều cách nâng giá sản phẩm, dịch vụ. Dạo qua một vòng nhiều khu vực chợ buôn bán cây cảnh, hoa, quả, bánh kẹo... có tiếng từ TP HCM đến một số tỉnh miền Tây, tôi thấy giá cả mấy ngày Tết cứ loạn hết lên.
Cùng một loại chậu hoa cúc nhưng tôi hỏi hai tiểu thương cách nhau chưa đến 500 mét đã có hai mức giá chênh nhau tới cả 20-30%. Bưởi da xanh cũng vậy, buổi sáng tôi mua một giá, nhưng buổi trưa quay lại giá đã tăng lên 30-50%. Để mua được giá hợp lý hoàn toàn phụ thuộc hoàn toàn vào tài mặc cả của người tiêu dùng.
Tết cũng là dịp sum họp gia đình, thăm viếng người thân và nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Nhưng trải nghiệm Tết miền quê của tôi là tiếng loa, tiếng karaoke được mở hết công suất, từ lúc người ta tỉnh dậy đến lúc đã say mèm, từ người lớn đến người già rồi lây qua trẻ nhỏ. Tôi có cảm giác các nhà xung quanh cạnh tranh với nhau bằng tiếng nhạc, tiếng hát (ai mở to hơn là thắng). Ở đây, tôi không bàn đến giọng hát hay - dở. Vấn đề là họ bật suốt ngày, thậm chí đến 1-2 giờ sáng tôi cũng vẫn nghe thấy tiếng nhạc.
>> Cả Tết bị tra tấn bởi tiếng loa thùng nhà hàng xóm
Tôi thiết nghĩ, các cơ quan quản lý khi tổ chức khu vực buôn bán nên cho các tiểu thương đăng ký giá từng mặt hàng và loại sản phẩm mình bán và công khai cho người tiêu dùng khi đi mua sắm, như trong các siêu thị hay làm, hoặc chí ít cũng ghi bảng giá để trên sản phẩm như một số chợ ở Thái Lan. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần tăng cường kiểm tra, giải đáp thắc mắc khi người tiêu dùng phản ánh. Chứ như bây giờ, người tiêu dùng khi có sự cố về giá chỉ có thể tung lên mạng cầu cứu mà không biết đúng sai và cơ quan quản lý nào sẽ xử lý?
Về vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, dù đã có chế tài xử lý, tuy nhiên việc thực hiện trong thực tế vẫn còn bị bỏ ngỏ khá nhiều. Hát karaoke làm ồn cả một khu, một vùng và kéo dài vài giờ, vì vậy rất dễ phát hiện, nhắc nhở và xử lý. Những quan trọng là ai quản lý, ai xử phạt? Lực lượng ở địa phương hiện vẫn chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, xử lý mạnh mẽ tình trang này, nên nó vẫn cứ tồn tại ngày này qua tháng nọ. Để rồi tất cả lại phụ thuộc vào hai chữ "ý thức" của mỗi người.
- Tôi thảnh thơi suốt Tết vì không quần quật nấu nướng
- 'Ba ngày đi chúc Tết không được ai mời ở lại dùng bữa'
- 20 năm ăn Tết trong nước mắt ở nhà chồng
- Đào Tết 'hét giá' hai triệu, tôi thà mua hoa tuyết mai 160.000 đồng
- Tiền ăn chỉ 2 triệu một tháng nên tôi không sợ Tết
- Tôi 'nghỉ Tết' chứ không 'ăn Tết'