Điều gì làm nên sự khác biệt giữa học sinh cấp ba và sinh viên đại học? Nhiều người cho rằng đó là việc sinh viên được lựa chọn môn để học, hay sinh viên có thể đi làm thêm, còn học sinh phải học nặng hơn... Với tôi, phản biện và khả năng tranh luận là điều quan trọng để chúng ta phân định rạch ròi giữa học sinh và sinh viên.
Ở cấp phổ thông, học sinh rất ít khi được tranh luận. Bởi lẽ những kiến thức ở bậc học này là chung nhất, phổ thông nhất và chọn lọc nhất. Còn ở đại học, với mỗi kỳ, các bạn sinh viên sẽ phải đối diện với nhiều môn khác nhau và hầu như không lặp lại ở kỳ tiếp theo. Ngoài những môn chung nằm ở tất cả các ngành của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, thì mỗi ngành đều có những môn riêng biệt. Chưa kể đến, mỗi học phần đều có giáo trình và sách tham khảo riêng, yêu cầu kiến thức cũng ở mức độ khác nhau và tăng dần ở mỗi kỳ học.
Là một sinh viên khoa học xã hội, tôi không thể tránh những lần phản biện trong mỗi học phần. Tôi còn nhớ rất rõ khi mới vào năm đầu tiên, những gì chúng tôi tranh luận với nhau chủ yếu là sự cãi vã qua lại, không bên nào nhường bên nào, "kẻ tám lạng, người nửa cân". Cuộc tranh luận tưởng chừng khoa học lại trở nên rất hỗn độn và không có tinh thần hợp tác. Mỗi bên đều có lý lẽ và dẫn chứng cụ thể để bảo vệ cho quan điểm của mình và vì thế, không bên nào chịu chấp nhận ý kiến của đối phương.
Những tưởng chỉ có một, hai lần, nhưng chúng tôi đã lặp đi lặp lại chuyện này ở hầu như tất cả các môn. Mỗi lần thuyết trình và phản biện đối với chúng tôi là giờ học căng thẳng nhất vì phải suy nghĩ rất nhiều để có được lý lẽ phản bác đối phương. Mọi lần như vậy, chúng tôi đều cần sự kết thúc bởi giảng viên học phần.
Đến khi lên năm thứ hai, tôi bắt đầu nhận ra phản biện và tranh luận vốn là điều không hề dễ dàng. Nhất là với những kẻ háo thắng và không chịu nhường nhịn người khác. Khi đó, tôi bắt đầu quan sát, học hỏi những người đi trước và học cả ở những buổi hội thảo - nơi mà các nhà khoa học thường tranh luận với nhau rất hòa nhã. Khi đó, nhận thức về tranh luận mới thực sự định hình trong một cậu sinh viên như tôi.
Thực ra, không chỉ riêng phản biện và tranh luận học thuật, ở cả những cuộc nói chuyện với nhau, khi cả hai bên đều không cùng quan điểm thì tốt nhất chúng ta nên dừng cuộc tranh luận lại. Mọi thứ diễn ra tiếp theo sẽ thật tồi tệ, vì đơn giản là cả hai chỉ cố tìm ra những sở hở mà đối phương để lộ và nhắm vào đó mà tấn công. Tôi gọi đó là công kích cá nhân.
Ý kiến hay quan điểm cá nhân có quan trọng không? Câu trả lời chắc chắn là có. Nhưng quan trọng hơn là ta phải hiểu đối phương đang nói gì, hiểu như thế nào, nói có đúng vấn đề chưa hay đúng hơn là thử đứng ở lập trường của họ để xem xét sự việc đó có phù hợp không? Chính những sai sót và sự không hiểu đối phương, nên chúng ta rất dễ rơi vào một cái bẫy công kích.
>> 'Không dám tranh luận, thể hiện bản thân thì chỉ mãi làm nhân viên'
Theo tôi, có mấy điểm tác động nên thành công của một cuộc tranh luận học thuật của sinh viên, bao gồm:
- Góc nhìn, lăng kính khác nhau, dẫn đến suy luận, quan điểm, tư duy, lập luận là không giống nhau;
- Khả năng lắng nghe và phân tích nội dung của đối phương chiếm phần lớn thành công của một cuộc tranh luận;
- Vai trò của người điều phối chương trình hay người dẫn dắt có vị trí lớn. Khi mọi thứ diễn ra một cách tồi tệ, người điều khiển sẽ đóng vai trò như một nhà kiến tạo, kéo câu chuyện đi đến trọng tâm, tránh lan man;
- Ngôn ngữ và thái độ sử dụng cần đúng mực và phù hợp với ngữ cảnh;
- Tâm lý cá nhân phải thực sự vững, điều này với tôi rất quan trọng, vì đôi khi tâm lý không vững, dễ dẫn đến việc câu chuyện bị lái sang một hướng khác;
- Cá nhân có am hiểu, có kiến thức, có sở trường về nội dung tranh luận, hay cá nhân có thực sự đang nắm được chính xác những gì đang diễn ra hay không, có sức ảnh hưởng rất lớn đến các điều nêu trước đó.
Quan trọng hơn cả, trong một cuộc tranh luận, vấn đề không nằm ở bên nào thắng hay bên nào thua? Mà điều cốt lõi là tìm ra được quan điểm chung nhất mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được. Tôi tin rằng cả hai bên, trong một tranh luận thực sự, đều có đủ lý lẽ và cơ sở đều bảo vệ cho ý kiến của họ.
Có thể ý kiến bên A sẽ được chấp nhận nhiều hơn, nhưng chưa chắc bên B đã không đúng. Khoa học xã hội thường tìm ra những chân lý tương đối, vì thế, những ý kiến của bên B có thể sẽ được bổ sung và hoàn thiện sau này. Và biết đâu, sau vài năm nữa, hay đến đời con của chúng ta, quan điểm của B lại thống lĩnh thì sao?
Tôi đã học được rất nhiều, trải nghiệm cũng không thiếu. Khi đó, tôi nhận ra rằng, khi ta không cùng quan điểm, thì đừng nên tranh cãi. Và trên đời này, điều tuyệt đối nhất chính là không có gì là tuyệt đối cả.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.