Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết, Việt Nam là một trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có đến 30% người Việt trưởng thành thiếu vận động thể lực. Tố chất về thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh thanh niên Việt Nam xếp vào mức kém so với tiêu chuẩn.
Nghiên cứu năm 2019 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng chỉ ra, trung bình một người Việt đi bộ 3.660 bước mỗi ngày, nhưng dân văn phòng chỉ là 600 bước, trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới là 10.000 bước. Tính đến hết năm 2021, số liệu của Tổng cục Thể dục thể thao cho thấy tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia thể dục, thể thao vẫn ở mức thấp. Số người tập luyện thường xuyên đạt hơn 35%, số hộ gia đình có thể thao chiếm 26%.
Độc giả Nguoixala chia sẻ quan điểm về thói quen lười vận động của nhiều người Việt:
"Người Việt lười vận động" đó là một thực tế phải thừa nhận. Và chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế đó để cố gắng sửa đổi, thay vì tìm lý do để bào chữa, biện minh.
Tôi ở Đức, có người quen của tôi là người Việt sang đây sống, nhưng ngồi ôtô ở trong nước riết thành quen. Khí hậu ở đây mát mẻ nhưng họ không thích đạp xe, đi bộ.
Điều này hoàn toàn trái ngược với người bản địa: họ đi ôtô nhưng mỗi thành viên trong nhà đều có xe đạp riêng để cuối tuần đi dã ngoại xa. Họ cũng duy trì thói quen đi dạo hoặc chạy bộ mỗi buổi sáng hoặc chiều. Họ thích chạy bộ hoặc đi bộ ra khỏi thành phố, ven rừng, cánh đồng. Tóm lại, họ tránh xa nơi đông người để thể chất và tinh thần khỏe khoắn. Họ vận động từ khi còn nhỏ cho tới khi già nên thành thói quen. Cụ hàng xóm nhà tôi 95 tuổi nhưng sáng và chiều đều đi bộ cùng với chó cưng, thậm chí còn leo thang để hái táo nữa.
Tôi đến phòng khám bệnh nằm ở tầng bốn của khu nhà, nhận thấy mọi người đều ưu tiên sử dụng cầu thang bộ, lên xuống nườm nượp, kể cả trẻ con. Chỉ riêng có người già ngồi xe lăn, ông bà cụ chống gậy, tầm 80 tuổi trở lên mới đi cầu thang máy.
Còn tôi không bao giờ thích đi ôtô trong thành phố, chỉ toàn đi xe đạp, hoặc gần thì đi bộ. Thế nên, khi về Sài Gòn, buổi chiều trời mát, tôi đi bộ 2 km thăm người bà con, mà không thấy mệt. Vậy mà tất cả người quen gặp tôi đều nói: "Sao không đi xe, đi bộ chi cho mệt vậy?".
>> Người Việt cần sớm phổ cập văn hóa đi bộ
Ở Sài Gòn đúng là nắng nóng, không thể vận động nhiều như các nước phương Tây. Nhưng buổi chiều và sáng sớm trời rất mát mẻ, bạn muốn đạp xe hay đi bộ đều được. Quan trọng là bản thân có muốn hay không mà thôi. Tôi là nữ, ngoài 40 tuổi rồi, sức khỏe không bằng tuổi trẻ nữa. Tôi chọn buổi chiều mát để đi bộ vài km nhưng không cảm thấy mệt chút nào.
Thời còn sinh viên, cuối tuần tôi từng đạp xe từ ký túc xá ở Quận 5 về địa phận Quận 9 nên thấy bình thường. Tôi thích vận động, dù ngày nghỉ tôi cũng muốn làm việc nhà, lên xuống cầu thang vài chục lần mỗi ngày, nên không bao giờ béo quá 50 kg.
Đúng là bạn làm việc mỗi ngày nặng nhọc thì không cần phải vận động thêm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thể trạng người Việt vốn nhỏ, lại lao động tay chân nặng nhọc, quá sức vì gánh nặng mưu sinh. Về lâu về dài, khi không còn trẻ nữa, tầm ngoài 60 tuổi, bạn sẽ cảm thấy đuối sức. Người Việt thích đi dạo chốn đông người, vừa đi vừa nói chuyện mới vui. Trong một ngày, chúng ta không có thời gian tĩnh lặng cho tinh thần, lúc nào cũng lăng xăng, bận rộn. Chúng ta không yêu thích làm bạn với thiên nhiên. Tất cả những điều đó tổng hợp lại khiến tuổi thọ của dân mình không cao.
Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết, Việt Nam là một trong 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Trong khi đó, chúng ta xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Đã đến lúc người Việt cần thay đổi thói quen sống thiếu lành mạnh này của mình nếu không muốn phải đối mặt với một viễn cảnh chẳng mấy tươi sáng lúc về già.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.