(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Sáng nay, tôi dừng xe khi thấy một phụ nữ chớm băng qua đường trên vạch đi bộ. Thế nhưng thấy tôi nhường đường, chị ấy cũng dừng lại luôn. Mặc cho tôi ra hiệu, chị vẫn không dám qua đường. Trong khi đó, một loạt xe máy ôtô phía sau bóp còi inh ỏi, nhiều xe máy khác vẫn vọt qua. Thế là tôi đành phải đi tiếp, nhìn qua kính chiếu hậu thấy chị vẫn chưa qua đường nổi vì đoàn xe cộ ấy vẫn đang ào ào xông tới, mặc kệ một người đi bộ cô đơn.
Người phụ nữ ấy, cũng như rất nhiều những người Việt chúng ta, đã không biết, hoặc không dám thực hiện quyền được đi bộ chính đáng của mình.
Đi bộ, nghe đơn giản, bình thường như 'cân đường hộp sữa", nhưng thực ra đang cho thấy thực trạng giao thông hỗn loạn ở Việt Nam ta, thường xuyên tắc đường, tai nạn và thiệt hại vĩ mô quốc gia.
Người nước nào đi bộ không an toàn chứng tỏ quốc gia ấy giao thông công cộng kém phát triển, bởi đi bộ là bước kết nối bắt buộc của một người từ nhà tới bến xe buýt (tàu điện) rồi đến chỗ làm, dịch vụ, vui chơi...
Chấp nhận đi bộ cũng đồng nghĩa với việc bạn phải đương đầu với hàng loạt mối hiểm nguy rình rập tứ phía. Người đi bộ đang là đối tượng yếu thế nhất khi tham gia giao thông: không được nhường khi qua đường, bị giành mất cả vỉa hè.
Vỉa hè vốn dành riêng cho người đi bộ nay bị chia năm xẻ bảy, sử dụng vào đủ các mục đích khác nhau. Người ta lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, đỗ xe, trưng biển quảng cáo... Người đi xe máy, ôtô cũng giành lấy vỉa hè làm lối thoát thân mỗi khi đường tắc vào giờ cao điểm. Ngay cả khi hè thông thoáng, cũng chưa chắc bạn có thể đi bộ trên đó khi mặt đường bị cày xới, đào bới ngổn ngang. Với đủ những sự xâm chiếm tới từ các hướng, người đi bộ chỉ còn một lựa chọn duy nhất - quay lại đi xe cá nhân.
Đi bộ không an toàn, xe buýt bị coi rẻ, tất cả thể hiện rõ sự hỗn loạn của giao thông Việt Nam. Người người dùng xe cá nhân, nhà nhà dùng xe cá nhân, giao thông luôn trong tình trạng quá tải. Người vi phạm giao thông vì thế cũng ngang nhiên lộng hành bởi lấy đâu là đủ lực lượng CSGT để vừa điều tiết giao thông, vừa xử lý 100% vi phạm?
>> Đi bộ ở Việt Nam - mệt óc hơn mệt người
Tôi tin các nhà hoạch định chính sách biết gốc rễ của vấn đề, và biết cách giải quyết, nhưng có làm hay không lại là chuyện khác. Vì xe buýt tệ hại, tàu điện mãi chưa xong, nên xe máy càng tràn lan. Xe máy tràn lan khiến nền kinh tế vụn vặt bởi bị chi phối bằng dịch vụ "tiểu nông", bám trụ nhà mặt tiền để cho thuê buôn bán nhỏ, chiếm dụng vỉa hè...
Tư duy mặt tiền, vỉa hè khiến nhà ống chật chội khổ sở thành có giá, khiến nhiều nơi không có tiền đền bù giải toả mặt bằng. Đường phố càng chật hẹp, giao thông càng ùn tắc, xe công cộng càng không phát triển được. Hậu quả là kinh tế xã hội chịu sức ỳ khủng khiếp vì giao thông tệ hại.
Nhiều người cho rằng đó là vòng luẩn quẩn chưa (không) thoát ra được. Nhưng tôi thì không. Gốc rễ của vấn đề là xe máy. Việt Nam hiện đã có hơn 40 triệu xe máy, trung bình cứ 1.000 người thì có gần 700 xe. Thật khủng khiếp. Nhưng chưa đến nỗi mất kiểm soát, và không còn cách nào khác là phải cấm xe máy.
>> 'Virus' xe máy đã tàn phá đô thị Việt Nam như thế nào
Tôi đã nghe đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội và TP HCM, thậm chí là đã có lộ trình, nhưng còn treo đấy vì quá nhiều người phản đối, e ngại. Nhưng bây giờ hoặc không bao giờ. Phải làm ngay, với lộ trình cụ thể và nhanh nhất có thể.
Cấm xe máy thì phương tiện giao thông công cộng sẽ phát triển, người đi bộ sẽ áp đảo. Và một điều đặc biệt là khi người đi bộ nhiều thì nền kinh tế mặt tiền vỉa hè sẽ bị dẹp bỏ. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng nó là thực tế ở các nước phát triển. Người đi bộ sẽ tính toán, không còn cảnh tuỳ tiện tấp vào lề đường ăn bát phở, mua gói xôi, mớ rau, mà họ sẽ lựa chọn những nơi dịch vụ tập trung, phố ẩm thực, gần bến xe buýt, tàu điện. Mặt tiền, vỉa hè thông thoáng thì cây xanh sẽ mọc lên toả bóng mát, và đi bộ trở thành niềm vui, thảnh thơi.
Cấm xe máy? Hàng triệu người đi xe máy sẽ phản đối vì còn nghèo, vì cuộc sống khó khăn, vì tiền đâu mua ôtô... Xin thưa, hãy dùng luật chơi công bằng, đánh thuế phí thật nặng vào những người dùng ôtô cá nhân, sao cho họ thấy đi xe buýt, tàu điện tiện lợi và rẻ hơn.
Tất nhiên, không đánh vào thuế nhập khẩu, trước bạ ôtô - vì như vậy sẽ không công bằng cho người tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa, mà phải đánh thuế giao thông nội đô, phí đậu xe thật cao ở TP HCM, Hà Nội và một số thành phố lớn khác.
>> 'Tôi không dám dắt con đi bộ tới lớp dù nhà cách trường chưa đầy một km'
Hãy nhìn sang Hong Kong, đường phố chật hẹp như Sài Gòn, Hà Nội, mật độ dân cư cao gấp nhiều lần, nhưng giao thông luôn thông suốt vì không có xe máy. Xe buýt chạy rất nhanh vì có đặc quyền làn đường riêng, tàu điện có khắp nơi, còn người đi bộ là thượng đế.
Người Hong Kong sống thọ vào hàng nhất thế giới vì đi bộ nhiều, không khí trong sạch bởi hạn chế phương tiện cá nhân. Thanh niên Hong Kong dáng vóc mảnh mai xinh đẹp nhờ đi bộ.
Cấm xe máy, luật giao thông sẽ dễ dàng thực thi hơn nhiều. Chúng ta sẽ trở nên văn minh hơn, không còn xâm phạm quyền lợi người khác bằng những thói xấu, tuỳ tiện vô lối, xuất phát từ 'tư duy xe máy'.
Cấm xe máy sẽ trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Đường phố khi ấy sẽ được giảm tải, phương tiện công cộng có nhiều không gian để di chuyển thay vì phải giành đường với xe cộ khác. CSGT có thời gian để tập trung vào nhiệm vụ chính: đảm bảo luật giao thông.
Khi ấy, người phụ nữ sáng nay tôi gặp ở Sài Gòn sẽ đường hoàng bước lên vạch đi bộ để băng qua đường. Rồi chị sẽ lên xe buýt, xuống tàu điện thênh thang, chấm dứt nỗi sợ hãi dòng xe chỉ chực cán lên người mình.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Bảo Nam