Nhiều độc giả bày tỏ những băn khoăn về chất lượng thực tế của các chức danh GS, PGS ở nước ta hiện nay:
Vài năm gần đây, vấn đề công nhận chức danh Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) đặt ra nhiều dấu hỏi về quy trình tuyển lựa và các tiêu chí đánh giá. Theo quy định hiện hành, ứng viên chức danh PGS, GS phải là tác giả chính của ít nhất ba bài báo (PGS) hay năm bài (GS) đã công bố trên các tập san khoa học uy tín. Ngoài số bài báo, quy định còn có những công thức tính điểm mang tính trung bình hóa, gây khó hiểu về cơ sở khoa học đằng sau các công thức đó. Nhìn chung, quy định hiện hành đặt nặng định lượng hơn là siết chặt phẩm chất của các công bố khoa học.
Đồng quan điểm, độc giả Kevin chia sẻ góc nhìn thực tế: "Tôi biết có vài người được phong chức danh PGS nhưng hầu như bỏ bê công việc chuyên môn và chỉ tập trung vào kinh doanh, buôn bán. Dù họ không sai vì ai cũng phải mưu sinh, nhưng mỗi ngành nghề phải có tiêu chuẩn đánh giá riêng, đó là doanh số, lợi nhuận đối với người làm kinh doanh; hay số công trình nghiên cứu được quốc tế công nhận với GS, TS... Nếu không tiêu chuẩn hóa thì chúng ta sẽ chẳng biết thế nào là đạt hay không đạt".
>> 'Giáo dục không đào tạo giáo sư, tiến sĩ'
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi tiêu chí công nhận chức danh GS, PGS, bạn đọc Students cho rằng: "Hiện nay tiêu chuẩn xét GS,PGS ở ta chỉ quan tâm đến số lượng bài báo, sách mà không đề cập đến các công trình khoa học (như đề tài Nghiên cứu khoa học các cấp) là phiến diện. Mặt khác, GS,PGS chỉ nên dành cho những người đang giảng dạy và nghiên cứu chuyên nghiệp. Nếu họ chuyển sang lĩnh vực khác không liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu hoặc coi đây chỉ là nghề tay trái thì không được dùng danh hiệu đó nữa.
Nghĩa là cũng chỉ nên có thời hạn theo điều kiện, không chỉ để được phong mà còn phải giữ được danh hiệu. Ví dụ, sau khi đã được công nhận chức danh, người đó cần đạt được những tiêu chí gì, nếu không thì cũng không được giữ chức danh. Ngoài ra, chức danh GS,PGS cũng chỉ nên là danh hiệu (như Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú) để nhận tiền thưởng một lần, chứ không phải là bậc lương cao cả đời. Như thế sẽ phần nào giảm bớt sự đua chen, tiêu cực".
Đó cũng là quan điểm của độc giả Thutranhvqlgd: "Người có chức danh GS, PGS sẽ có rất nhiều quyền lợi đi kèm như: được ngồi trong Hội đồng chấm luận án,luận văn; được kéo dài tuổi làm việc; được tăng lương... Chính vì vậy, nhiều người cố gắng bằng mọi cách để được công nhận PGS, GS. Còn sau đó, họ chẳng cần quan tâm có bài đăng tạp chí quốc tế uy tín gì nữa.
Do vậy, nhiều người chỉ cần đếm số lượng bài đăng để được xét công nhận chức danh, chứ chưa chú trọng tới chất lượng hoặc đăng ở tạp chí nào hoặc sau khi được công nhận rồi, có tiếp tục viết bài nữa hay không? Bất cập chính là ở chỗ, được phong PGS, GS là mãi mãi, hàng năm không cơ quan, tổ chức nào đánh giá, xem xét lại".
Lê Phạm tổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.