Việc của giáo dục là đổi mới, nhưng hãy nghĩ và làm khác đi. Tôi xin phép gửi tới một góc nhìn khác về giáo dục: đổi mới hướng đến kỹ năng, phương pháp, năng lực... Nhưng dạy để làm gì, học để làm gì?
Việc tìm lại tự tôn của nhà giáo không phải là một vấn đề. Tự tôn của nhà giáo là tự nhiên mà có. Nó chỉ bị mờ nhạt khi nhà giáo với đồng lương ít ỏi mà phải bươn chải, dùng nhiều cách để kiếm tiền. Chúng ta có nhiệm vụ cao cả hơn, đó là nền tảng để phát triển kinh tế. Chúng ta chỉ cần làm được việc của mình thì vị thế sẽ tự khắc không phải bàn cãi. Quan trọng là những người làm giáo dục có dám buông tay làm không?
Vấn đề của giáo dục là xác định mục tiêu rõ ràng: đào tạo ra người lao động thời đại 4.0, chứ không phải tạo ra con người toàn năng giống như thực tế của giáo dục hiện tại; đào tạo ra người lao động chứ không phải đào tạo ra thế hệ giáo sư, tiến sĩ; đào tạo phải thực dụng. Cho nên vấn đề của giáo dục hiện tại nằm ngay ở mục đích. Đổi mới giáo dục cần thay đổi cái đích đến chứ không phải làm đẹp hơn con đường cũ. Giáo dục đã tụt hậu không thể có tư duy lộ trình.
Có những việc cần làm ngay:
Để học sinh tự học: Trong thời đại 4.0, tất cả thay đổi theo tùng ngày, từng giờ. Internet chính là người thầy lớn nhất. Chương trình hay sách giáo khoa không phải vấn đề. Để tiếp cận được thời đại mới, học sinh phải biết tự học, có khả năng tự học. Để làm được, chúng ta cần nghiêm cấm toàn bộ hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường dưới mọi hình thức.
Dạy thêm đơn giản là lò luyện thi, phương tiện kiếm tiền của giáo viên, chính vì thứ đó mà chúng ta đánh mất sự tự tôn của nhà giáo. Học thêm không có tác dụng gì cho tương lai học sinh cả mà còn là nguồn gốc của tiêu cực, gây bức xúc cho phụ huynh và làm học trò trì trệ, không sáng tạo, không tự tiếp thu cái mới.
Đầu tư vào giáo dục là đầu tư vào con người, không phải đầu tư kinh tế hay xây dựng: Rất nhiều nơi vì cái chữ "chuẩn" mà đầu tư để đập đi xây to hơn trong khi chỗ cần lại không có. Bỏ chữ "chuẩn" đi là tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước. Nhà nước ưu tiên và đầu tư cho giáo dục 20% nhưng đầu tư không hợp lý thì cũng không được việc gì, thậm chí là hòn đá cản đường, như câu chuyện sách giáo khoa vừa qua. Do đó, rất cần sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, để đầu tư giáo dục sao cho hiệu quả.
>> Cải cách sách giáo khoa - 'bê kiến thức lớp trên xuống lớp dưới'
Giáo dục mở: Trong hai năm đổi mới, có thể cho toàn bộ học sinh có kỹ năng giao tiếp tiếng Anh, để học sinh tiếp cận đến được kỹ thuật, kỹ năng của cả thế giới. Để làm được việc đó rất đơn giản, đừng quá chú trọng dạy kỹ năng đọc, viết tiếng Anh. Tôi cho rằng không thể dạy trẻ đồng thời cả bốn kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) được, vì nó mâu thuẫn với quy luật nhận thức. Cái gì cũng muốn nhưng kết quả ra sao? Thế hệ trẻ ngày nay, đến kỹ năng giao tiếp tối thiểu bằng tiếng Anh cũng không làm được.
Thay đổi Luật giáo dục: Để giáo dục mở và thực sự đổi mới thì Luật giáo dục cần phải thay đổi. Luật giáo dục hiện nay đang đóng và tạo ra nghịch lý. Người thợ giỏi không thể làm thầy, trong khi người thầy không dạy ra được thợ giỏi. Theo tôi, giáo dục phải mở, bỏ hết giới hạn về người thầy. Không phải cứ là người tốt nghiệp trong trường sư phạm hoặc chứng chỉ sư phạm mới được đứng lớp. Ai có thể dạy hàn hơn một thợ hàn lành nghề? Người thầy nào dạy những đứa trẻ trên Sapa nói tiếng Anh "như gió"?
Tiếp cận thời đại 4.0 bằng cách thay đổi vị thế môn Tin học trong nhà trường: Cơ cấu môn học chính phải là Tin học, Ngoại ngữ, Công nghệ, Toán học ứng dụng là những môn chủ chốt trong thời đại 4.0. Cần xây dựng lại chương trình Tin học tiếp cận thời đại mới. Hãy hiểu rằng, trong 50 năm tới, mọi máy móc sẽ tự động. Bỏ giới hạn thì mới phát triển được.
Muốn toàn bộ học sinh trong hai năm có kỹ năng giao tiếp Tiếng Anh và Tin học cơ bản cần sử dụng người giỏi ngoài ngành giáo dục vì giáo viên hiện tại đang dạy đa số không đạt yêu cầu, cần phải đào tạo lại. Tuy nhiên, có thể trong hai năm với tư cách trợ giảng có thể giúp họ nâng cao năng lực đủ để tự bước đi các năm tiếp theo.
Người thực hiện: Đổi mới giáo dục không thể chỉ do người trong ngành giáo dục thực hiện. Tư duy đã thành lối mòn và dao sắc cũng không muốn tự gọt chuôi. Ngoài ra, còn quá nhiều gò bó cho dù người đầu ngành cũng sẽ không thể làm gì được nếu không được tạo điều kiện. Chúng ta phải đánh đổi cái lợi trước mắt lấy cái lợi lớn hơn về sau, để đổi lấy vị thế của chúng ta khi bước chân ra ngoài.
>> Cải cách giáo dục - 'thừa chiều sâu, thiếu độ rộng'
Đặt hàng giáo dục: Để giáo dục thực sự gắn với thực tiễn, chúng ta đang phạm phải sai lầm đó là giáo dục độc lập trong việc xây dựng nội dung chương trình. Dẫn đến hệ quả là giáo dục bị tụt hậu hoặc không phục vụ thực tiễn. Cho nên, bắt buộc trong đổi mới giáo dục, cần đưa chuyên gia kinh tế vào trong xây dựng chương trình, vì họ biết ta thiếu gì, cần gì? Họ đặt hàng giáo dục và giáo dục đưa sản phẩm của mình phục vụ kinh tế. Hoặc các địa phương tự khoán chất lượng lao động cho tỉnh mình trong lộ trình 10 năm...
Người làm giáo dục cần phải hiểu mục đích từng bộ môn chứ không phải đơn giản chỉ là điều kiện để tốt nghiệp: Thi đại học chính là phương tiện để hướng "cỗ máy giáo dục" đào tạo ra nguồn lao động. Các trường chuyên nghiệp đào tạo theo nhu cầu lao động trong nước và quốc tế. Nên bỏ toàn bộ đánh giá các trường chuyên nghiệp theo điểm, tiêu chí... chỉ quan tâm tới chất lượng lao động và số lượng việc làm của người sau khi tốt nghiệp.
Giáo dục không phải đổi mới 5 năm, 10 năm hay 20 năm mà phải mở và kế thừa nền giáo dục của nước khác. Và công việc này cũng không chỉ do Bộ trưởng bộ Giáo dục hay ngành giáo dục mà phải có sự tham gia của các bộ ban ngành, đặc biệt là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong việc đánh giá chất lượng giáo dục và Bộ Công Thương trong định hướng giáo dục. Cùng với đó là sự ủng hộ của cả bộ máy chính trị và toàn bộ người dân. Có như vậy, giáo dục Việt mới thực sự chuyển mình và cất cánh.
Truong Tien
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.