Tôi là một gia sư chuyên ôn luyện thi tuyển sinh cấp 3, đại học và dạy bồi mất gốc môn tiếng Anh. Vì đây là một công việc dạng freelance nên tôi rất thích bởi lẽ bản thân có thể được tự chủ được về mặt thời gian và nhất là được sống với đam mê, với lĩnh vực mà mình giỏi.
Tuy nhiên, đối với những học trò mà tôi đã trực tiếp luyện thi, giảng dạy thì có vẻ như việc học thứ ngoại ngữ này chỉ nhằm để "đối phó" với những kỳ thi, những yêu cầu trên lớp một cách tạm bợ, hời hợt.
Mục đích của việc học thêm, kèm cặp về cơ bản là để nắm chắc những kiến thức có trong chương trình học và cách giải những bài tập khó do học yếu, học kém, nhưng theo tôi nhận thấy thì đa phần là do... lười học mà ra.
Trớ trêu thay, cũng khó lòng mà trách được tụi nhỏ khi chúng đang sống trong thời đại mà công nghệ số dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Đồng thời, mặt trái của nó chính là bọn trẻ đã và đang lệ thuộc quá nhiều vào Internet, các nền tảng mạng xã hội... để rồi "chết dần, chết mòn" đi sự tò mò, ham thích tìm hiểu những kiến thức mới và quan trọng hơn cả là tư duy độc lập trong cuộc sống.
Từ đó, dẫn đến những "căn bệnh" như lười suy nghĩ, lười phản biện và nguy hiểm hơn cả đó chính là không còn chút gì của thứ gọi là động lực phấn đấu trong học tập. Việc làm bài tập làm thêm hay nâng cao là một điều hiếm gặp trong những giờ dạy của tôi.
Đã từng có thời điểm tôi không còn thiết với việc soạn bài nữa vì mấy đứa học trò chỉ ngồi học cho có lệ hay nhờ tôi giải hộ đề cương gấp vì ngày mai kiểm tra định kỳ theo những nội dung trong đó.
>> Bao nhiêu người thành đạt nhờ học trường chuyên?
Thì ra, mối quan tâm hàng đầu của tụi nhỏ và phụ huynh chỉ là những con điểm đẹp mà chất lượng thật sự lại không hề như vậy. Thử hỏi sau những con điểm cao chót vót có được nhờ cách học đối phó, đầy gượng ép như thế thì phải chăng điều duy nhất mà chúng học hỏi được không phải là tri thức mà là sự coi thường tri thức vì điểm tốt đâu có cần phải siêng năng, chăm chỉ gì cho kham.
Khách quan mà nói, có lẽ vấn đề này chỉ thực sự được giải quyết khi mà những con điểm "vô tri, vô giác" không còn là đích đến "tối hậu" của việc học và phụ huynh có sự quan tâm, đôn đốc nhất định, không lơ là đối với con cái ở thời điểm hiện nay, đặc biệt là trong thời điểm tựu trường sắp tới đây.
Nguyễn Kiến Lập
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.